Phát biểu trên nhật báo Kommersant, bà Kosyanchich cho biết, Hội đồng các vấn đề đối ngoại của EU sẽ đánh giá việc thực thi bản kế hoạch hòa bình do các bên ký kết tạiMinsk,Belarusvào ngày 5/9 và lệnh ngừng bắn tại miền ĐôngUkraine. “Công việc đánh giá này hiện đang trong tiến trình được chuẩn bị” – bà Kosyanchich nói.
Bản đánh giá này hiện đang được trình lên Ủy ban đại diện thường trực của EU tiến hành xem xét, để sau đó, có thể đưa ra quyết định cuối cùng đối với các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tờ Kommersant dẫn lời một quan chức EU giấu tên cho biết, trong kịch bản được trông đợi nhất, các quan chức EU sẽ ủng hộ việc gỡ bỏ dần một số lệnh trừng phạt nhất định đang áp dụng đối với Moscow.
Tuyên bố trên được đại diện EU đưa ra trong bối cảnh Nhóm bộ 3 gồm Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vừa đạt được một loạt các thỏa thuận mang tính bước ngoặt đối với tình hình Đông Ukraine. Trong cuộc họp diễn ra ở Minsk, Belarus, ngày 5/9, Nhóm bộ 3 về tình hình Ukraine đã thông qua thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Đến ngày 19/9, Nhóm bộ 3 về tình hình Ukraine lại tiếp tục nhóm họp và thông qua Biên bản ghi nhớ gồm 9 điểm, quy định cụ thể các bước đi để thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn trên. Theo đánh giá hiện nay, lệnh ngừng bắn này vẫn được cho là “đang phát huy hiệu lực” tại miền ĐôngUkraine.
Trong nhiều tháng trở lại đây, cuộc khủng hoảng tạiUkraineđã trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi giữa Nga và các nước phương Tây. Tiếp theo sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập bán đảoCrimeahồi trung tuần tháng 3/2014, phương Tây đã bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và quốc phòng của Nga. Đáp lại, phía Nga cũng đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm đối với một số mặt hàng thực phẩm của EU, Mỹ, Canada, Australia và Na uy.
Một số chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt trả đũa giữa Nga và EU liên quan tới cuộc khủng hoảngUkraineđang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc “chiến thương mại tàn khốc”. Chính vì thế, việc cân nhắc nới lỏng hay xóa bỏ các lệnh trừng phạt này sẽ giúp hai bên giảm bớt những thiệt hại không mong muốn.
Theo số liệu thống kê, EU hiện đang là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Nga và đang cung cấp 75% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào quốc gia này. Trong khi đó, Nga đang đóng vai trò là đối tác thương mại thứ 3 của khối EU. Tuy nhiên, EU lại nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Nga hơn là xuất khẩu sang thị trường này.
Trong năm 2013, tổng kim ngạch giao dịch thương mại từ EU sang thị trường Nga đạt gần 12 tỷ ơ-rô. Chính vì thế, các nhà sản xuất nông nghiệp của châu Âu khuyến cáo, liên minh này sẽ phải đối mặt với những “tổn thất nặng nề” nếu như tham gia vào một cuộc chiến thương mại với Nga.
Trong khi đó, giới phân tích dự báo rằng, nền kinh tế của nước Nga cũng đã bắt đầu cảm thấy “sức nặng” từ các biện pháp trừng phạt của EU. Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp trả đũa thương mại sẽ đẩy giá lương thực tại Nga lên cao và khiến cho vấn đề lạm phát tại quốc gia này ngày càng trở nên “nan giải”./.
(ĐCSVN)