356
+ aa -

Quốc tế

Cập nhật lúc : 31/12/2014 10:01
Khu vực Mỹ Latinh và Caribbean – một năm nhìn lại
Năm 2014 đang khép lại với rất nhiều sự kiện nổi bật diễn ra trên toàn thế giới. Đây cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Mỹ Latinh và Caribe trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, ngoại giao, xã hội...
Tổng thống đắc cử El Salvador, ông Salvador Sanchez Cerén và phu nhân tại lễ nhậm chức Ảnh: AFP

Các đảng cánh tả khẳng định vai trò cầm quyền


Với một loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống trong năm 2014, các đảng cánh tả khu vực Mỹ Latinh đã khẳng định vai trò cầm quyền của mình. Điều này đã góp phần củng cố thêm một bước tiến trình dân chủ và cách mạng trong khu vực.

 

Ngày 1/6, Tổng thống đắc cử El Salvador, ông Salvador Sanchez Cerén thuộc đảng cánh tả Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti (FMLN) đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 5 năm. Ông Salvador Sanchez Cerén, 69 tuổi, là Tổng thống đầu tiên củaEl Salvador xuất thân từ một Tư lệnh. Vị Tổng thống cánh tả thứ hai của quốc gia Trung Mỹ kêu gọi hòa hợp dân tộc, không phân biệt đảng phái chính trị, đồng lòng góp sức tái thiết đất nước El Salvador.
 

Tháng 10 vừa qua, ông Evo Morales đã chính thức đắc cử Tổng thống Bolivia nhiệm kỳ thứ ba với 61% số phiếu ủng hộ. Kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ đối với công cuộc cải cách của vị tổng thống theo đường lối cánh tả này - đại diện của đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS). Lên nắm quyền từ năm 2006 và là vị tổng thống người bản xứ đầu tiên của Bolivia, ông Morales đã dẫn trước đối thủ chính trong cuộc đua này - doanh nhân Samuel Doria Medina, ứng viên của liên minh Đoàn kết dân chủ (UD) theo xu hướng trung hữu - tới 37 điểm. Như vậy, ông Morales sẽ kéo dài thời gian tại nhiệm tới 14 năm, tính đến tháng 1/2020, sau khi Tòa án Tối cao củaBoliviara phán quyết hồi năm ngoái không tính nhiệm kỳ đầu tiên của ông theo bản hiến pháp mới được thông qua hồi năm 2009.

 

Ngày 27/10, Tòa án bầu cử tối caoBraziltuyên bố đương kim tổng thống theo đường lối cánh tả, bà Dilma Rousseff đã tái đắc cử sau cuộc bỏ phiếu vòng 2, vượt qua ứng cử viên theo đường lối trung hữu Aécio Neves. Bà Dilma Rousseff đã chiến thắng trong cuộc đấu giành ghế tổng thống khó dự báo kết quả nhất tại Brazil kể từ cuộc chạy đua vào vào Dinh Planalto (Phủ tổng thống Brazil) năm 1989, cuộc bầu cử đầu tiên sau khi nước này thoát khỏi chế độ độc tài. Chiến thắng của bà Rousseff cũng sẽ giúp củng cố và mở rộng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội mà Đảng Lao động đã đem lại cho đất nước Nam Mỹ trong 12 năm qua.

 

Tại Uruguay, ứng cử viên của Mặt trận rộng rãi (FA) Tabaré Vázquez (74 tuổi) đã trở lại cầm quyền sau khi dẫn trước hơn 12% trước đối thủ là Hạ nghị sĩ Luis Lacalle Pou, đại diện của đảng Quốc gia (PN) theo xu hướng trung hữu, trong cuộc bầu tổng thống vòng hai ngày 30/11. Đây là chiến thắng thứ 3 liên tiếp của FA trong các cuộc bầu cử tổng thống, nâng thời gian cầm quyền của liên minh theo đường lối cánh tả lên tối thiểu 15 năm.

 

Trước những thắng lợi của các đảng cánh tả cầm quyền trong các cuộc bầu cử tổng thống ở khu vực Mỹ Latinh, có ý kiến cho rằng, khu vực một thời bị coi là “sân sau” của Mỹ đã kết thúc năm 2014.

 

Kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm


Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), trong năm 2014, khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng 1,1%, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế lớn như Argentina và Venezuela cũng giảm lần lượt 0,2% và 3%, trong khi nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil cũng chỉ tăng trưởng ở mức rất thấp 0,2%.

 

ECLAC nhận định, hoạt động kinh tế yếu kém của nhiều nền kinh tế lớn tại Mỹ Latinh và Caribbean, nhu cầu tiêu thụ ngoài khu vực giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng và tình hình tài chính quốc tế mất ổn định là những yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế toàn khu vực giảm.

 

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng giữa các nền kinh tế trong khu vực có sự không đồng đều. Chẳng hạn như:Haiti, khu vực Trung Mỹ và cộng đồng các nướcCaribbeannói tiếng Tây Ban Nha được dự báo tăng trưởng 3,7% trong năm 2014, trong khi Nam Mỹ chỉ đạt tăng trưởng 0,7%.

 

Về tiềm năng tăng trưởng, trong khi các nước như Mexico và Cộng hòa Dominicana được hưởng lợi từ tình hình phục hồi khả quan của nền kinh tế Mỹ thì khu vực Nam Mỹ lại đối mặt với tình trạng nhu cầu và giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh ở các thị trường lớn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Cũng theo tổ chức trên, đầu tư nước ngoài vào Mỹ Latinh - vốn có chiều hướng giảm từ năm 2011, sẽ giảm khoảng 3,5% trong năm 2014.

 

ECLAC nhận định "thập kỷ vàng" tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh đã kết thúc và một trong những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latinh-Caribbean là mở rộng chính sách kinh tế vĩ mô để bảo tồn nguồn vốn đầu tư cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng.

 

ECLAC dự báo trong năm 2015, khu vực này sẽ đạt tăng trưởng 2,2%, có cải thiện so với năm nay nhưng thấp hơn so với kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 – 2013.

 

Cụ thể, khu vực Trung Mỹ và các nước Caribbean nói tiếng Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 4,1%, các nước Caribbean nói tiếng Anh tăng trưởng 2,2% và khu vực Nam Mỹ tăng 1,8%.

 

Panama dẫn đầu các nước Mỹ Latinh và Caribbean về tăng trưởng kinh tế trong năm tới, với mức tăng 7%, tiếp đến là Bolivia 5,5%, Cộng hòa Dominican và Nicaragua (5%), Colombia (4,3%), Mexico (3,2%), Chile (3%).Brazil- nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, có thể chỉ đạt tăng trưởng 1,3%.

 

Thắt chặt nội khối và mở rộng ngoại giao toàn cầu


Có thể thấy trong những năm qua, Mỹ Latinh vàCaribbeanđã không ngừng nỗ lực để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực đã góp phần tạo nên một Mỹ Latinh vàCaribbeanvững mạnh và đoàn kết.

 

Sự ra đời của hàng loạt khối kinh tế, chính trị như Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA), Liên hiệp các nước Nam Mỹ (UNASUR) hay Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC)... đã chứng tỏ quyết tâm xây dựng Mỹ Latinh thành khu vực được liên kết chặt chẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời kêu gọi xóa đói, giảm nghèo, nâng cao cơ sở hạ tầng và năng lượng.

 

Trong số đó phải kể đến Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA). Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, ALBA gồm 9 nước thành viên với tổng cộng 74 triệu dân, trong đó 47% trong độ tuổi lao động, diện tích 3 triệu km2 (1% tổng diện tích Mỹ La tinh); GDP toàn khối hiện nay gần 350 tỷ USD. ALBA xem thương mại và đầu tư không có mục đích tự thân, mà chỉ là công cụ nhằm đạt tới sự phát triển công bằng và bền vững. Bên cạnh đó, ALBA không chấp nhận cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các nền sản xuất, thay vào đó là sự hợp tác và bổ trợ kinh tế. ALBA cũng có các chính sách thích hợp với từng quốc gia phù hợp với trình độ phát triển và quy mô nền kinh tế cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nước thành viên tham gia và cùng được hưởng lợi.

 

ALBA là một tổ chức liên kết khu vực, hội nhập quốc tế, nhưng trên hết và trước hết, đó là một dự án địa chính trị cách mạng của các lực lượng cánh tả, tiến bộ Mỹ La tinh. ALBA thành công trong 10 năm qua, không phải chủ yếu nhờ sức mạnh kinh tế, mà là nhờ tầm nhìn đúng đắn, bản lĩnh chính trị kiên định của các nguyên thủ quốc gia, trong đó có các lãnh tụ Fidel Castro, Hugo Chavez, Rafael Correa, Evo Morales, Daniel Ortega...

 

Việc Mỹ và Cubabình thường hóa quan hệ ngoại giao đã nhận được sự ủng hộ và hoan
nghênh của cộng đồng quốc tế (Ảnh: AP)

 

Trong khi quan hệ nội khối được thắt chặt, thì quan hệ ngoại giao giữa các nước trong khu vực với bên ngoài được mở rộng. Sẽ không thể không nói đến sự kiện ngày 17/12 vừa qua, khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này đã không chỉ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân hai nước mà còn nhận được hoan nghênh của đông đảo cộng đồng quốc tế.

 

Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới. Ngay sau khi công bố quyết định trên, Tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan chức năng khởi động các bước bình thường hóa quan hệ với Cuba, mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và xem xét đưa đảo quốc này ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

 

Tin tức về việc tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cubalập tức trở thành sự kiện hàng đầu, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong những ngày qua. Các hãng truyền thông trên thế giới nhất loạt đưa tin với hàng tít lớn về “sự kiện thế kỷ” và đánh giá tầm quan trọng của sự kiện này, không chỉ đối với quan hệ giữa hai nước mà còn có ý nghĩa lớn đối với nền chính trị thế giới.



Thách thức lâu dài từ cuộc chiến chống ma túy trong khu vực


Nhắc đến Mỹ Latinh vàCaribbean, ngoài việc nói đến một khu vực giàu tiềm năng về kinh tế, mạnh mẽ trong liên kết về chính trị, người ta còn nhắc đến một khu vực với bài toán khó về buôn bán và sử dụng ma túy.

 

Cuộc chiến chống ma túy được nhắc đến như một vấn đề nan giải, chưa có hồi kết, thậm chí còn nhiều bế tắc ở khu vực này. Các nước trong khu vực đã có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác trong việc phòng chống buôn bán ma túy, tuy nhiên, diễn biến của cuộc chiến này vẫn rất phức tạp.

 

Tháng 5 năm nay, Hội nghị Bộ trưởng An ninh lần thứ nhất các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribbean (CELAC) đã nhấn mạnh các nước cần phải thống nhất kế hoạch hành động và đồng tâm hợp lực trong cuộc chiến khó khăn này, đồng thời rút ra những kinh nghiệm cần thiết và cốt lõi nhất nhằm đề xuất lên diễn đàn tương tự tại Liên hợp quốc, dự kiến họp năm 2016. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng và đại diện 33 nước thành viên CELAC đã trao đổi kinh nghiệm, thông tin liên quan đến quá trình phòng tránh, đấu tranh chống các hoạt động buôn bán ma túy và các phương án phối hợp và hợp tác giữa các lực lượng đặc nhiệm với người dân và giữa các quốc gia trong khu vực.

 

Mexicolà một trong những nước trong khu vực nhức nhối với nạn ma túy. Theo số liệu mới nhất đưa ra vào tháng 12/2014, kể từ khi Tổng thống Felipe Calderon bắt đầu triển khai quân đội trấn áp các băng đảng ma túy từ tháng 12/2006, cuộc chiến ma túy đã làm hơn 80.000 người thiệt mạng và 22.000 người mất tích.

 

Vụ việc đã làm chấn động quốc gia Trung Mỹ này trong năm 2014 chính là vụ 43 sinh viên mất tích vào tháng 9 vừa qua. Nếu tất cả những sinh viên được xác nhận đã thiệt mạng, đây được coi là vụ việc tồi tệ nhất liên quan đến cuộc chiến ma túy ởMexico. Các thành viên của một băng đảng ma túy đã thừa nhận sát hại và đốt xác 43 sinh viên nói trên. Tuy nhiên, thân nhân của những sinh viên xấu số không chấp nhận các kết quả xét nghiệm ADN dựa trên số tro cốt còn sót lại. Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa kết thúc, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và đòi công lý cho các sinh viên vẫn tiếp tục, gây sức ép lớn đối với Chính phủ Mexico đương nhiệm./.

 

ĐCSVN