Theo hai cơ quan của Liên hợp quốc, sản lượng của các loại lương thực cơ bản và sắn trong năm 2014 ước tính vào khoảng 763.000 tấn. Mặc dù cao hơn 11% so với vụ thu hoạch nghèo nàn của năm 2013 song khối lượng sản xuất vẫn còn thấp hơn 58% so với mức trung bình của giai đoạn 2008 – 2012 trước cuộc khủng hoảng. Lĩnh vực sản xuất chính của Cộng hòa Trung Phi đã giảm xuống 46% trong năm 2013.
Các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với sản xuất lương thực đã giảm nhẹ với chương trình hỗ trợ của FAO cho khoảng 111.750 hộ gia đình khi FAO phân phát cho họ hạt giống và các công cụ nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Về phần mình, WFP cung cấp khẩu phần lương thực để ngăn chặn tình trạng các hộ gia đình tiêu thụ hạt giống thay vì gieo trồng.
Đại diện của FAO tại Cộng hòa Trung Phi Jean-Alexandre Scaglia tuyên bố cho biết: "Trong khi những nỗ lực này đã ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng hơn nữa tình hình thực phẩm và nông nghiệp, chúng ta vẫn cần hỗ trợ thêm để thúc đẩy sản xuất lương thực và lĩnh vực nông nghiệp, vốn là hai phương tiện chính duy trì sự sống đối với nhiều người và là xương sống của nền kinh tế quốc gia".
Thêm vào đó, số lượng gia súc cũng đang giảm xuống. Số gia súc đã giảm 77% so với mức trước khủng hoảng do các con gia súc bị trộm cắp hàng loạt. Đánh bắt thủy sản cũng đã giảm khoảng 40% do mất an ninh trong khu vực đánh bắt dọc các con sông và những thiệt hại về thiết bị đánh bắt.
Các nguồn dự trữ thực phẩm tại các khu vực nông thôn hiện đang thấp hơn khoảng 40 – 50% so với mức trung bình vì tình trạng cướp bóc tái diễn. Các gia đình đã bị mất hầu hết thu nhập và hàng hóa sản xuất ra hiện buộc phải tìm những cách khác để tiêu thụ. Ngoài ra, sự gián đoạn trong thương mại do tình trạng mất an ninh cũng dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng các loại thực phẩm cơ bản, từ đó làm tăng giá đáng kể ở một số vùng.
Sau sự suy giảm về nguồn thu nhập trang trại, các hộ gia đình đã chuyển sang các hoạt động khác để tồn tại, trong đó có cả việc thu thập và bán gỗ và than. Theo đánh giá của FAO và WFP, nhiều gia đình đã buộc phải giảm khẩu phần ăn.
"WFP là đặc biệt quan ngại về tình hình của các cộng đồng bị cô lập và người di cư. Khảo sát thực địa cho thấy mức tiêu thụ thực phẩm của khoảng một nửa số hộ dân là rất thấp, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và làm cho các gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nguồn viện trợ thức ăn" – nhà kinh tế trưởng của WFP Arif Husain nhấn mạnh.
Tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi, lạm phát đã tăng từ 3,5% lên đến 12% trong giai đoạn từ tháng 1 – 8/2014 và làm giảm sức mua của các gia đình. Giá các mặt hàng cơ bản đã tăng lên 30 – 70% trong giai đoạn từ tháng 3 – 8/2014. 1/4 – 1/3 dân số đã ở trong tình trạng bất ổn lương thực trước cuộc khủng hoảng và gặp khó khăn để có thể thường xuyên có được đầy đủ thức ăn./.
ĐCSVN