Báo cáo của Bộ NN và PTNT cho thấy, trong nhiều năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển với tốc độ cao, hệ thống nghiên cứu được tăng cường, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản. Đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới; khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%... Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu… đã đạt năng suất cao hàng đầu thế giới. Trong chăn nuôi sử dụng giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa được nâng cao. Trong ngành thủy sản đóng góp lớn nhất của khoa học và công nghệ là công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm bình quân từ 57% - 58% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bảo đảm yêu cầu về chất lượng thị trường quốc tế...
Cùng với đó, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ đã có bước đổi mới theo hướng xã hội hóa, đã huy động được sự tham gia của các hình thức kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, liên kết với các viện, trường trong công tác chuyển giao công nghệ, tăng cường tính độc lập tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tiếp cận cơ chế thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được thúc đẩy và tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung hơn vào giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn như rà soát đánh giá cơ cấu, cải tiến các giống năng suất, chất lượng...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới do Bộ NN và PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức mới đây, dù đã đạt được nhiều kết quả vượt trội, đóng góp to lớn trong tăng trưởng ngành và thúc đẩy phát triển kinh tế, song gần đây tốc độ tăng trưởng của khoa học và công nghệ nông nghiệp có xu hướng chậm lại, hiệu quả chưa cao, kém bền vững; đồng thời vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trình độ khoa học và công nghệ nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Chưa kể đến, nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng; các công trình cơ bản có chất lượng thấp, nhiều công trình nghiên cứu không đi đến kết quả ứng dụng thực tiễn sản xuất. Các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều ưu đãi trong các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn và sự tham gia của doanh nghiệp vào đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là công tác nghiên cứu và chuyển giao tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, các tiến bộ khoa học và công nghệ chưa được áp dụng đến người nông dân…
Để duy trì tăng trưởng của ngành sản xuất nông nghiệp, cũng như thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Bộ NN và PTNT cho biết, thời gian tới sẽ khẩn trương hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần đổi mới về nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các yếu tố về khoa học công nghệ; đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, khuyến khích tạo mọi điều kiện để thúc đẩy việc mua bán, chuyển nhượng bản quyền đối với các sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước. Với các địa phương, cần chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ nông nghiệp công lập của địa phương theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ chế để doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp vào việc ứng dụng kết quả khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Người đại biểu nhân dân