181
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 25/05/2018 16:11
Viettel tiến đến bước ngoặt về đầu tư nước ngoài
Năm 2017, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã có thay đổi lớn. Ngoài việc có được đà tăng trưởng mới, triển vọng năm 2018 còn rất sáng sủa với thị trường chiến lược là Myanmar.

Toàn cảnh đầu tư nước ngoài của Viettel

Năm 2017, hoạt động đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel này đạt doanh thu gần 1,7 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng tới 38% (bao gồm Viettel Global và Viettel Peru), với sự đóng góp của hầu hết các thị trường đang khai thác thương mại. Đây là tốc độ tăng trưởng gấp hơn 9 lần mức bình quân của ngành viễn thông thế giới (chỉ tăng 4%).

Trong đó, 60% thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số, bao gồm Cameroon (103%), Mozambique (79%), Peru (37%), Tanzania (35%), Haiti (13%), Đông Timor (12%). Thậm chí, nếu tính rộng ra, 100% thị trường đã kinh doanh trên 3 năm của Viettel đều tăng trưởng, một con số ấn tượng khi ngành viễn thông thế giới đã bắt đầu bão hòa - doanh thu tăng trung bình 4%.

Bí ẩn của khoản lỗ lũy kế ngàn tỉ đồng

Năm 2017, Viettel Global - đơn vị quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel, đạt lợi nhuận gần 27 tỉ đồng (1,18 triệu USD) - một sự thay đổi lớn khi năm 2016 bị lỗ tới 3.475 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số lỗ của Viettel Global năm 2016 chủ yếu do biến động tỉ giá từ các thị trường châu Phi.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel kiêm Tổng Giám đốc Viettel Global, cho biết: "Chênh lệch tỉ giá là nguyên nhân chính của khoản lỗ lũy kế của Viettel Global. Tuy nhiên, khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá này chủ yếu là hạch toán trên sổ sách chứ không phải lỗ do hoạt động kinh doanh đi xuống. Và lỗ trên sổ sách tức là khi báo cáo chúng tôi phải quy về đồng USD. Nếu tính theo đồng nội tệ thì tất cả các thị trường châu Phi - nơi có biến động về tỉ giá vẫn đang có tăng trưởng tốt".

Vị lãnh đạo này cho biết, năm 2017 khi không gặp biến động tỉ giá bất lợi Viettel Global đã có lợi nhuận dương (1,18 triệu USD) dù vẫn phải đầu tư lớn vào thị trường mới ở Myanmar và một số thị trường châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.

Ông Lê Đăng Dũng giải thích thêm, con số lợi nhuận 1,18 triệu USD trong năm 2017 cũng chưa phản ánh đầy đủ thực trạng kinh doanh ở các thị trường quốc tế của Viettel.

Hiện nay, Viettel đầu tư tại 10 thị trường bao gồm cả thị trường Peru. Tuy nhiên, vì yêu cầu của Chính phủ Peru, thì công ty đầu tư vào thị trường này phải là Tập đoàn Viettel. Do đó, các số liệu kinh doanh của Viettel tại thị trường Peru không được đưa vào báo cáo của Viettel Global dù vẫn do Viettel Global quản lý và vận hành.

Nếu tính cả thị trường Peru thì hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel năm 2017 có lợi nhuận là 655 tỉ đồng (28,48 triệu USD) chứ không chỉ là 27 tỉ đồng (1,18 triệu USD).

Năm 2018, Viettel Global ra sao?

Vậy liệu câu chuyện về tỉ giá sẽ ra sao trong năm 2018? Ông Lê Đăng Dũng thông tin, vì nguyên nhân tỉ giá, kế hoạch năm 2018 đang được xây dựng trên kịch bản thận trọng. Theo đó, Viettel Global dự báo mức tăng tỉ giá từ 1% đến 5% cho các thị trường của mình và ghi nhận các chi phí chênh lệch tỉ giá tương ứng đã được ghi nhận vào kế hoạch năm.

"Mặt khác, khi tỉ giá tiếp tục biến động theo chiều hướng không thuận lợi, Viettel Global sẽ chi trả các khoản chi phí mua thiết bị, đầu tư mới bằng đồng nội tệ; các khoản vay cũng sẽ bằng đồng nội tệ để khi chi trả không phải đổi ra đô la Mỹ", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nói.

Trên thực tế, trong quý I-2018, ngoại trừ Mozambique và Haiti, tất cả các thị trường còn lại đều ghi nhận diễn biến tốt về tỉ giá so với kế hoạch. Đặc biệt, Cameroon và Myanmar ghi nhận tỉ giá giảm, giúp Viettel Global ghi nhận các khoản lãi chênh lệch tỉ giá trong quý I-2018. "Tuy nhiên, cho cả năm 2018, để đảm bảo tính cẩn trọng, Viettel Global vẫn giữ nguyên kế hoạch tỉ giá đã đề ra vào đầu năm. Trong năm 2018, Viettel Global sẽ không còn lỗ", lãnh đạo này khẳng định.

Về triển vọng kinh doanh tại các thị trường quốc tế trong năm 2018, ông Dũng cho biết, ở châu Á, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Lào và Campuchia, hai quốc gia này là nơi tạo dòng tiền tốt hỗ trợ cho các thị trường mới đi vào hoạt động như Myanmar và các thị trường châu Phi.

Với thị trường Mỹ La tinh, Natcom (Haiti) dự kiến trở thành thị trường phát triển tốt những năm tới.

Tại châu Phi, các thị trường mới kinh doanh nên chưa thể có lãi ngay nhưng Burundi đã có lãi. Mozambique sau khi tỉ giá ổn định trở lại đã có lãi.

"Thị trường mà chúng tôi kỳ vọng nhất năm 2018 là Myanmar, dự kiến sẽ khai trương trong tháng tới. Mật độ điện thoại của quốc gia này chưa quá dày đặc và lại mới mở cửa, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nên cơ hội cho viễn thông nói chung và Viettel Global nói riêng là rất lớn. Riêng trong năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu có 2-3 triệu khách hàng tại Myanmar. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu năm 2018 sẽ không còn lỗ", ông Dũng cho biết. (NLĐ)