Chiều 29-5, Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng về gửi/nhận văn bản điện tử và phân cấp chữ ký số với sự tham gia của đại diện 11 địa phương và nhiều bộ, ngành.
Đã “phủ sóng” nhưng cần phân cấp
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho hay đến nay 100% bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi/nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12-3 đến 27-5, đã có hơn 36.000 văn bản gửi và hơn 105.000 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
“Một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai gửi/nhận văn bản điện tử, như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng…” - ông Phan dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận quá trình triển khai gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi như không gửi/nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận… Đồng thời, chưa cấp phát được đầy đủ 100% chữ ký số chuyên dùng cho các đơn vị (đặc biệt là các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương) dẫn đến việc triển khai gửi/nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số chưa đồng bộ và thống nhất…
Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thắng đề nghị Ban cơ yếu Chính phủ nghiên cứu phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động hơn trong việc thay đổi thông tin khi cán bộ luân chuyển hoặc điều động sang đơn vị khác, cấp lại mật khẩu, gia hạn chữ ký số cho các tổ chức, cá nhân của địa phương.
Băn khoăn… hack và chữ ký nháy
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho hay ông và cấp dưới của mình băn khoăn những vấn đề mình phê, chỉ đạo lưu vết trên nền điện tử, lỡ không may bị hack, hay vì một lý do nào đó bị mất đi… thì thế nào. “Đây là vấn đề về an ninh bảo mật chúng ta phải quan tâm” - ông Hưng nói và nhấn mạnh: “Làm gì thì làm, điện tử cũng phải bảo đảm an toàn cho những người triển khai công việc”.
Cũng theo ông Hưng, khi chuyển sang văn bản điện tử, nếu vẫn theo quy trình văn thư lưu trữ của văn bản giấy sẽ chỉ khiến việc chúng ta làm rườm rà thêm. “Có người ở cơ quan tôi hỏi quy trình văn thư hiện nay yêu cầu tờ trình phải có chữ ký nháy, vậy có ký nháy số không?” - ông Hưng nêu vấn đề.
Giải đáp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định “vẫn phải xác thực ký nháy, không thể bỏ”. “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải xác thực ký nháy vào nghị quyết của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng để làm căn cứ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng” - ông Dũng nói. (PLO)