Với vị trí của mình, ông làm việc với người đứng đầu các trường và các công ty công nghệ giáo dục của Anh, giúp họ phát triển hệ thống trên toàn cầu. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông nhân dịp ông sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giáo dục Anh.
Phóng viên (PV): Vương quốc Anh là một đất nước có nền tảng tốt và chất lượng học tập được khẳng định từ lâu. Nhưng những công nghệ giáo dục của Anh được thực hiện ở bên ngoài như thế nào?
Ông Vipul Bharqava: Chúng tôi đã giúp Dubai phần mềm đánh giá cách học. Mỗi người chúng ta có những cách học khác nhau, học bằng cách nghe, theo hình ảnh hay theo nhóm… Phần mềm này giúp giáo viên đưa những người có cùng cách học vào một nhóm và có chương trình học phù hợp với những cách giảng bài khác nhau. Ví dụ thứ hai là ở Liban, nơi có rất nhiều người tị nạn. Trong lớp học chỉ có một giáo viên thì làm cách nào để giúp đỡ các em đều có thể học tập bình thường? Ở đây chúng tôi giúp họ áp dụng trí tuệ nhân tạo, giúp giáo viên nắm rõ từng học sinh với điểm yếu, điểm mạnh và đưa ra chương trình bổ trợ cũng như hỗ trợ giảng dạy 1-1 cho các em học sinh, giúp giảm công việc cho giáo viên.
PV: Theo ông, để áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục, điều gì là quan trọng? Nếu được triển khai ở Việt Nam, công nghệ 4.0 trong giáo dục sẽ có tác động như thế nào?
Ông Vipul Bharqava: Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giáo dục có 3 ngành chính mà nước Anh đang rất tự hào và phát triển tốt là trí tuệ nhân tạo, các chương trình học thông qua các trò chơi và xử lý dữ liệu lớn (big data). Trong đó, quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng. Đây là nền móng của tất cả các ngành khoa học công nghệ 4.0. Giáo dục cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. Điều thứ hai quan trọng là chất lượng giáo viên. Chúng tôi có rất nhiều chương trình đào tạo cho giáo viên. Khoa học công nghệ lúc này đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao trình độ cũng như giảm bớt công việc của giáo viên.
Có hai yếu tố có thể tạo ra sự khó khăn cho giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là sự chênh lệch giữa các vùng, miền khi tiếp cận giáo dục và tỷ lệ bỏ học còn cao. Tuy nhiên, công nghệ sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách. Học sinh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận được. Khi công nghệ giáo dục được ứng dụng vào giáo dục, các em có điều kiện như nhau khi tiếp cận các dữ liệu học thì tỷ lệ bỏ học giữa chừng cũng sẽ giảm đi.
PV: Vậy theo ông, thời điểm nào là phù hợp để Việt Nam nên bắt đầu cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục? Chi phí để thực hiện liệu sẽ gây khó khăn gì cho chúng tôi không?
Ông Vipul Bharqava: Công nghệ không đợi chờ ai, cho nên đây thực sự đã là thời điểm quan trọng để chúng ta bắt đầu rồi. Chúng ta phải nắm bắt thời cơ hiện tại vì nếu chúng ta bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều công nghệ xu thế của thế giới. Thực sự cần phải nghĩ tới việc ứng dụng khoa học công nghệ ngay từ bước đầu tiên, bước cơ sở, vì nếu về sau đã triển khai các chương trình rồi thì không thể quay trở lại được nữa. Bên cạnh đó, cần quan tâm ứng dụng được triển khai như thế nào. Nó phải được thực thi, được truyền tải từ những hoạt động nhỏ của giáo dục.
Tôi cho rằng, những công nghệ này được thực hiện với chi phi rất thấp bởi công nghệ khi được chia sẻ với nhiều người thì giá sẽ giảm đi. Phí bản quyền chỉ phải chi cho một lần đầu, chi phí này sẽ được chia rất nhỏ ra khi nó được phổ biến. Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng được công nghệ 4.0 vào hoạt động giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang rất quan tâm tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo này. Điều này sẽ rất tốt. (qđnd)