514
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 30/01/2015 14:03
Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển nông nghiệp
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu được thực hiện tại cơ quan quản lý, chỉ một số ít doanh nghiệp ứng dụng vào canh tác nông nghiệp. Nhưng kinh nghiệm của các quốc gia có thu nhập cao từ nông nghiệp cho thấy, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình canh tác. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: ITN

Mô hình áp dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp được nhắc nhiều trên thế giới là ở Isarel - quốc gia đã làm nên điều kỳ diệu về nền nông nghiệp xanh công nghệ cao trên hoang mạc. Có diện tích rất nhỏ, trên 20.000km2, nhưng Israel lại được mệnh danh là “thung lũng silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng Israel là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khoảng 3 tỷ USD nông sản. Kinh nghiệm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại của Israel là đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại mà năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, thì nay đã lên tới 90 người. Một hécta đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm (55 lít sữa/con/ngày) - mức năng suất không một nước nào đạt được.

 

Với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp 20% GDP, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp cũng cho rằng đầu tư vào nông nghiệp rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Những hạn chế này đã được nhiều báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ đề cập. Điều đáng nói là nước ta được đánh giá có lợi thế phát triển nông nghiệp, song lại thua kém chính những quốc gia có điều kiện canh tác khó khăn.   

 

Kinh nghiệm của Isarel, Hà Lan và Nhật Bản, là không chỉ canh tác nông nghiệp dù điều kiện tự nhiên không cho phép, mà còn có thể tạo sản lượng, chất lượng sản phẩm cao nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Tại nước ta, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng xuất hiện những năm gần đây. Bên cạnh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một số doanh nghiệp trong nước đã ứng dụng công nghệ hiện đại. Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương cho biết, doanh nghiệp đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa củaIsraelvà quy trình chế biến từ các nước tiên tiến. Để bảo đảm đúng quy trình được mua lại, TH truemilk thậm chí thuê cả nông dân và chuyên gia củaIsraelvận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo công nhân. Với việc ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò, TH truemilk đã biến 1ha đất trước đó chỉ cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm...

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, thì quan trọng nhất là doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Thực tế, công nghệ thông tin được ứng dụng sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chủ yếu được nhập khẩu. Hiện chỉ có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cung cấp giải pháp Agri.one, hệ thống thông tin điện tử nhằm cung cấp, giải đáp, tư vấn cho nông dân những thông tin về vay vốn, chọn giống, các kỹ thuật nuôi trồng, thông tin thời tiết, kinh nghiệm phòng bệånh, chữa bệnh cho vật nuôi, cây trồng... Các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác cũng tham gia cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho sản xuất nông nghiệp, nhưng mới chỉ dừng ở vai trò cung ứng giải pháp được nhập khẩu.

 

Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tháo gỡ triệt để những hạn chế của tình trạng sản xuất manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng và sản lượng không đồng đều của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Hạ tầng mạng của nước ta cơ bản phủ sóng các vùng miền - điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Nông dân tại các vùng chuyên canh lớn cũng có ý thức ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quá trình canh tác, chăn nuôi. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có thể sẽ không đem lại nguồn lợi nhanh chóng như một số lĩnh vực khác, nhưng là nguồn lợi bền vững và có tính lan tỏa cao, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội này.

 

Người đại biểu nhân dân