331
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 04/05/2016 08:56
Tìm ra hành tinh ‘cô đơn’ nhất trong vũ trụ
Các nhà khoa học tại NASA vừa tìm thấy một hành tinh ‘tội nghiệp’ nhất trong vũ trụ, nó không có “gia đình”. Để tạo cảm giác về không gian, chúng ta có xu hướng gộp các hành tinh thành một nhóm. Các nhóm được tập hợp dựa trên quỹ đạo của các hành tinh, khi chúng cùng quay quanh một ngôi sao.

Ví dụ, Trái đất là một phần của hệ Mặt trời và là một phần của thiên hà Milky Way, nằm trong khu vực Laniakea của vũ trụ. Nhiều hành tinh khác cũng tương tự như vậy. Hệ Mặt trời, về cơ bản là một nhóm các hành tinh quay quanh Mặt trời.

Việc gộp nhóm này cho phép chúng ta đặt tất cả mọi thứ ở cùng một nơi, ngay cả khi đó là nơi “chuyển động liên tục xung quanh một cái gì đó khác”. Trên lý thuyết, mọi hành tinh đều thuộc về một nhóm nào đó.

Tuy nhiên, vào năm 2011, các nhà thiên văn học đã công bố rằng, quan điểm này không hẳn đúng. Vũ trụ của chúng ta thực sự có rất nhiều hành tinh trôi nổi tự do, những hành tinh cô đơn không phụ thuộc vào hành tinh nào khác, hoàn toàn một mình trong sự bao la của không gian. Đó là những hành tinh không có gia đình, chúng là những sao lùn nâu.

Sử dụng những dữ liệu từ kính viễn vọng WISE (Wide-field Infrared Survey Explorer) và 2MASS (Two Micron All Sky Survey), NASA đã xác định được một đối tượng giống như một hành tinh trôi nổi tự do trong hệ sao TW Hydrae, nằm cách Trái đất khoảng 175 năm ánh sáng.

NASA cho biết, hành tinh “mới” này được đặt tên là WISEA J114724.10-204021.3 (hoặc đơn giản hơn là WISEA 1147), có kích thước lớn gấp 5-10 lần sao Mộc.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy, những ngôi sao xung quanh hành tinh mới có tuổi đời rất trẻ, chỉ khoảng 10 triệu năm tuổi, các nhà khoa học tin rằng WISEA 1147 cũng tương tự vậy.

Mặt khác, các hành tinh thông thường phải mất 10 triệu năm để hình thành và vô số năm nữa để có thể tách ra một hệ thống sao, có nghĩa là, dựa vào tuổi của WISEA 1147, các nhà khoa học cho rằng, nó có thể không thực sự là một hành tinh. Vậy thì thực chất nó là cái gì?

Theo NASA, câu trả lời hợp lý duy nhất là: những khối bí ẩn là một ngôi sao lùn nâu (brown dwarf).

Sao lùn nâu là những vật thể quá lớn để được gọi là hành tinh và quá nhỏ để có thể là một ngôi sao. Chúng thường có khối lượng gấp 2 lần sao Mộc.

Sao lùn nâu rất khó phát hiện bởi chúng bị cô lập và thường rất mờ vì ánh sáng của chúng quá yếu ớt.

Để tìm ra WISEA 1147, nhóm nghiên cứu đã phải săn lùng theo các tín hiệu nhiệt và quan sát cách di chuyển của nó trong vòng 10 năm. “Nó hét lên với chúng tôi: tôi là một ngôi sao lùn nâu trẻ”, TS thiên văn học Adam Schneider đến từ Đại học Toledo dí dỏm nói.

Các nhà khoa học cho biết, bước tiếp theo, họ sẽ nghiên cứu để xác định xem những hành tinh trôi nổi tự do là sao lùn nâu hay là hành tinh đúng nghĩa, và bằng cách nào mà những đối tượng này tách ra khỏi hệ sao.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrophysical.

 

(khoahocvacongnghevietnam.com.vn)