Du nhập Video
Đầu năm 1978, tôi đã tìm đến Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Cần Thơ bàn thực hiện Chương trình Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (sau này được nhiều người biết dưới tên gọi Khuyến nông). Mỗi tuần phát hình một lần với thời lượng 30 phút. Đây là hợp tác hoàn toàn tự nguyện. Trong đó Đài truyền hình thông tin giúp người dân gieo trồng đúng, hiệu quả, bảo đảm được an toàn lương thực cả nước, còn các nhà khoa học có trách nhiệm phổ biến kỹ thuật cho nông dân và cán bộ lãnh đạo cũng thấy được trách nhiệm trong việc chỉ đạo nông nghiệp các tỉnh nắm bắt, chuyển giao đến tận đồng ruộng.
Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Xuân Bình (Trưởng ban Khoa giáo Đài TH TPHCM), Quản Hùng (đạo diễn), Nguyễn Quý Hoàng (quay phim)... Còn tôi, vừa viết kịch bản, vừa kiêm luôn… diễn viên với các bạn đồng nghiệp tại ĐH Cần Thơ là Nguyễn Văn Huỳnh, Phạm Văn Kim, và một số nông dân tiên tiến.
Chương trình đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo bà con, được khán giả ưa thích không kém các chương trình hát cải lương lúc bấy giờ. Tuy nhiên phương tiện quay hình lúc đó khá lạc hậu nên chương trình mắc nhiều lỗi không đáng có. Để hỗ trợ kỹ thuật, vào năm 1981, tôi tranh thủ sự ủng hộ của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu - lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam nhờ Giáo sư Edward Cooperman - Chủ tịch Hội Các Nhà Khoa học Mỹ hợp tác với Việt Nam - xin một số thiết bị tối cần như máy thu phát video gồm: 4 đầu máy Betamax, 2 đầu máy Umatic, 2 máy camera quay video hiệu Sony.
Có lẽ tôi là người tiếp nhận bộ máy video đầu tiên trong nước. Vì lúc đó chưa cơ quan nào trong nước biết dùng loại thiết bị hiện đại này. Khi nhập vào, Hải quan TP.Hồ Chí Minh không biết hướng xử lý nên đòi phải có giấy phép của Bộ VH-TT. Đó là cả chặng đường gian nan.
Tuy nhiên, ngay cả khi xin được giấy phép vẫn chưa hết chuyện. Phía Hải quan bắt chúng tôi phải ghi rõ chi tiết từng số máy như cách ghi số khung, máy đối với xe gắn máy bây giờ. Chưa hết, về đến Cần Thơ, chúng tôi phải trình với Sở VH-TT và một lần nữa phải ghi từng số máy, và cam kết không sử dụng vào mục đích gì khác ngoài làm chương trình khuyến nông. Lúc ấy, GS Cooperman cũng đem sang Việt Nam hai máy vi tính hiệu Apple II mới nhất của Mỹ, một cái đặt tại Viện của Giáo sư Hiệu, và một cái tại ĐH Cần Thơ. Nên nhớ là máy PC lúc ấy chỉ có một đĩa cứng 64 Kilobytes mà thôi. Nhưng những thiết bị hiện đại này đã giúp chúng tôi thực hiện Chương trình khuyến nông rất đắc lực.
Chiếc laptop đầu tiên và đưa email vào Việt Nam
Hai năm sau khi sử dụng chiếc máy Apple II, tôi có chiếc máy tính xách tay (laptop) đầu tiên do Bác sĩ Judith Ladinsky hỗ trợ. Máy mang nhãn hiệu Bondwell model 2. Máy này chỉ có một ổ đĩa mềm, không đĩa cứng. Và cũng vì quá mới mẻ nên dù tôi nhiều lần giải thích, giải trình, nhưng Hải quan Việt Nam vẫn không dám cho mang ra khỏi cửa khẩu. Mãi đến trình bày với đồng chí Trương Quang Được - lúc bấy giờ là Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan - thì mới ổn.
Chuyện bắt đầu vào năm 1992, Tiến sĩ Thomas R. Preston, (chuyên gia FAO) và Tiến sĩ Andrew W. Speedy (ĐH Oxford) vào công tác ngắn hạn theo Chương trình hệ thống canh tác của các trường nông nghiệp Việt Nam. Ông Speedy giới thiệu cho tôi hiểu thế nào là “e-mail” Trường Đại học Oxford (Anh quốc) của ông ấy đang bắt đầu sử dụng, giúp các nhà khoa học thông tin nhau rất nhanh chóng. Tôi chớp ngay cơ hội rồi vào cuộc. Nhưng khi bắt tay vào làm, đã vướng cả rừng trở ngại. Đó không chỉ là những cảnh báo về vấn đề an ninh mà còn là sự bỡ ngỡ của thuở ban đầu. Vấn đề an ninh, tôi có thể thuyết phục được với lập luận: Thế giới đang sử dụng e-mail mà mình sợ, không dám sử dụng thì làm sao theo kịp thế giới? Rồi cố tìm cách thuyết phục những người có trách nhiệm. Rồi những lo ngại an ninh cũng qua.
Nhưng chuyện kỹ thuật cụ thể thì quả là thách thức lớn. Hai ông Preston và Speedy cùng nhóm giảng viên ĐH Cần Thơ gồm tôi và anh Đặng Đức Trí, Đỗ Văn Xê chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm làm với một modem gắn vào một laptop và một điện thoại, rồi phải mày mò sửa từng dòng lệnh trên modem script để cho hai cái modem nối nhau. Cứ thế, suốt 3 ngày làm việc liên tục, mới hoàn chỉnh. Sau đó, hai vị chuyên gia nước ngoài chuyển lên ĐH Nông lâm (Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh) để thử nối máy với ĐH Cần Thơ trước khi đến ĐH Nông nghiệp Huế và lên Trung tâm Nông nghiệp Ba Vì.
Lúc đó, chúng tôi không chỉ trao đổi qua lại với nhau, mà còn trao đổi thư từ thông tin với các đồng nghiệp ở nước ngoài qua máy chủ đặt tại Khoa Khoa học cây trồng thuộc Đại học Oxford. Mỗi ngày 3 lần máy chủ ở Oxford nối kết vào máy chủ ở ĐH Nông nghiệp Huế, đổ thư ngoài vào và lấy thư trong đi. Địa chỉ e-mail của chúng tôi lúc ấy rất dài, tận cùng bằng chữ “oxford.ac.uk”. Sau đó một năm, TS Trần Bá Thái của Viện Công nghệ thông tin ở Hà Nội mới bắt đầu hệ “netnam.org” cho ĐH Cần Thơ sử dụng với tên miền ctu.edu.vn. (laodong)