Đó là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng về quản lý thông tin thuê bao nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác và đại diện một số doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam chiều ngày 10/4 vừa qua..
Về việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, theo đánh giá, Nghị định đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường quản lý thông tin thuê bao với một số nội dung chính như: Thống nhất bán SIM tại điểm đăng ký thông tin thuê bao; Việc cung cấp SIM chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ủy quyền, sau khi hoàn thành việc cung cấp đầy đủ, đúng thông tin thuê bao theo quy định; Không hạn chế số SIM nhưng phải đầy đủ thông tin thuê bao chính chủ; Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cập nhật, lưu giữ đủ và đúng thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ; Tăng cường xử phạt doanh nghiệp viễn thông và áp dụng nhiều hình thức xử phạt vi phạm…
Tính đến tháng 3/2018, việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả: Tổng số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập là 316.449 điểm (gồm 3254 điểm cố định, 313.195 điểm lưu động, tỷ lệ lưu động chủ yếu là của VNPT-VinaPhone); số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền là 29.882 điểm. Về việc rà soát, cập nhật lại thông tin thuê bao, theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến 15/3/2018, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao các đơn vị doanh nghiệp thời gian qua có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, hạn chế SIM kích hoạt sẵn và tin rác. Tuy nhiên, tới đây phải phối hợp tốt hơn để hạn chế tối đa vấn nạn tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn. Theo Bộ trưởng, mục tiêu là nhằm quản lý cho tốt, ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, đồng thời quản lý thuê bao chính xác. Việc ngăn chặn SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn và tăng cường quản lý thông tin thuê bao là vấn đề rất cần thiết, không chỉ đảm bảo chính xác cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung triển khai các quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, tăng cường sự ủng hộ của xã hội trong việc quản lý thông tin thuê bao. Mặt khác, do chưa có cơ sở dữ liệu (CSDL) công dân, trong khi đó các nước khác có CSDL công dân thì chỉ cần đưa chứng minh thư đến đối chiếu là có đủ hết, do đó cần có biện pháp khác hữu hiệu hơn. Các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông dễ dàng cập nhật lại thông tin thuê bao trong trường hợp thông tin chưa chính xác (hiện có khoảng 34/38 triệu thuê bao thông tin chưa chính xác), cố gắng hoàn thành mục tiêu CSDL thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định.
Với việc chụp ảnh, khi có chứng minh thư nhân dân chính chủ, có thể lấy ảnh chứng minh nhân dân còn trong hạn sử dụng làm ảnh chụp. Với các thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thêm các cơ sở dữ liệu còn thiếu, cần tìm cách linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật…
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần xem xét để sớm trình Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP cho hợp lý. Ví dụ đã có chứng minh thư nhân dân mới trong 5 năm thì có cần chụp nữa không, hay lấy luôn ảnh đó nhằm đảm bảo thuận lợi cho khách hàng. Các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện để các thuê bao trả trước chuyển sang thuê bao trả sau và khuyến khích thuê bao trả sau…
Được biết, nhằm tuân thủ đúng quy định của nghị định 49/2017/NĐ-CP và bảo vệ quyền lợi khách hàng, các nhà mạng đã đưa ra những khuyến nghị khách hàng khẩn trương tới các điểm giao dịch để hoàn thiện việc đăng ký bổ sung thông tin thuê bao trước ngày 24/4/2018.
Để triển khai Nghị định 49, mạng di động VinaPhone đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho việc cập nhật và hoàn thiện thông tin thuê bao trên toàn hệ thống. Cụ thể ngay từ sau khi Nghị định 49 có hiệu lực, VinaPhone đã bố trí nguồn lực tiến hành thông báo rộng rãi và hướng dẫn chi tiết khách hàng thực hiện các bước hoàn thiện thông tin thuê bao. Trong những ngày tới, VinaPhone sẽ chủ động nhắn tin tới các thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin và ảnh chân dung để mời khách hàng tới các của hàng VinaPhone hoàn thiện và cập nhật thông tin thuê bao, ảnh chân dung khách hàng.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể soạn tin TTTB gửi 1414 để tự kiểm tra thông tin cá nhân liên quan đến số máy di động VinaPhone đang sử dụng để chủ động đăng ký thông tin bổ sung nếu thấy thông tin hiện có chưa đầy đủ và chính xác.
Để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone sẽ mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21h00 hàng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận, giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao. (VnMedia)