Tàu New Horizons đã bay qua tiểu hành tinh có tên là Ultima Thule (2014MU69), nằm trong Dải Kuiper. Khoảng cách lớn từ Ultima Thule đến Trái đất khiến cho các nhà khoa học phải chờ nhiều giờ đồng hồ mới nhận được tín hiệu từ tàu New Horizons. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA thông báo, dữ liệu cho thấy, máy móc trên con tàu hoạt động bình thường.
Hơn 24 giờ sau đó, con tàu đã gửi những bức ảnh đầu tiên chụp Ultima Thule về Trái đất. Các bức ảnh cho thấy, tiểu hành tinh này có hình dạng thuôn dài. Kích thước mỗi điểm ảnh vào khoảng 10 km, khiến cho bức ảnh chụp tiểu hành tinh với kích thước khoảng 30 km trở nên không rõ nét.
Các nhà khoa học đã chồng một số ảnh lên nhau và sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa ảnh, từ đó họ nhận được bức ảnh ghép có chất lượng tương đối tốt. Bức ảnh cho thấy, tiểu hành tinh Ultima Thule có chiều dài thậm chí gấp đôi chiều rộng. Điều này cũng khẳng định kết quả các quan sát kính viễn vọng từ mặt đất (năm 2017 và 2018).
Ultima Thule quá nhỏ nên bên trong khó diễn ra các quá trình địa chất. Tiểu hành tinh này ở cách Mặt trời khoảng 6,5 tỷ km. Khoảng cách đến Mặt trời quá lớn nên nhiệt độ của tiểu hành tinh không thay đổi.
Cũng chính vì thế mà cấu trúc của nó dường như giữ nguyên từ khi Hệ Mặt trời hình thành. Việc nghiên cứu Ultima Thule có thể cung cấp thông tin quý giá về khởi đầu Hệ Mặt trời. Do đó, các nhà khoa học đặt nhiều hi vọng vào giai đoạn hiện tại của sứ mệnh New Horizons.
Hiện tại, tàu New Horizons ở cách Mặt trời khoảng 6,5 tỷ km. Tín hiệu radio (điện từ) từ con tàu phải mất khoảng 6 giờ mới đến được Trái đất.
Khoảng 1 tuần nữa, tàu New Horizons sẽ bay ra phía sau Mặt trời (nhìn từ Trái đất). Do vậy, việc liên lạc với con tàu sẽ bị gián đoạn một thời gian ngắn.
Việc truyền dữ liệu từ tàu New Horizons sẽ kéo dài khoảng 18 tháng, sau đó con tàu sẽ tiếp tục bay tới mục tiêu mới. Trữ lượng nhiên liệu và tình trạng con tàu cho thấy, nó còn có thể lập được một vài kỷ lục nữa. (GDTĐ)