150
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 24/04/2018 16:36
Nộp ảnh chân dung là giải pháp tối ưu để đảm bảo tính chính danh của thuê bao
Trước câu hỏi, có cần thiết phải gửi ảnh chân dung khi mà chủ thuê bao đã đăng kí bằng chứng minh nhân dân, Cục Viễn thông cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để đảm bảo tính chính danh của thuê bao.

Sau 24/4, thuê bao chưa đăng ký không lo bị khoá

Đó là khẳng định của Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Lê Thị Ngọc Mơ khi trao đổi với báo chí về lộ trình cập nhật thông tin thuê bao di động mà hiện nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ thông tin nên cuống cuồng đi đăng ký vì lo bị khóa.

Bà Mơ cho biết, theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 4), doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định được ban hành – 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. Như vậy, ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.

Nghị định 49 (Điểm e Khoản 8 Điều 1) cũng quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện) như sau:

- Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao;

- Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

- Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

- Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.

Điều ngày có nghĩa, sau mốc thời gian 24/4, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình trên. 

Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.

Doanh nghiệp chưa nghiêm túc và cố gắng

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến cuối tháng 3/2018, cả nước vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung. Những thuê bao này chưa có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc đã có nhưng dữ liệu không trùng khớp, có dấu hiệu bị làm giả.

Trước việc nhà mạng thông báo gia hạn thời gian, ông Trung nhấn mạnh, Nghị định 49 có hiệu lực từ tháng 4/2017, nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông đã có 1 năm để thực hiện nhưng gần tới thời hạn chót, các doanh nghiệp mới triển khai nhắn tin cho khách hàng. Điều này cũng đã gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ). Trong những ngày sắp tới, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ – Cục phó Cục Viễn thông cũng cho rằng, doanh nghiệp kêu khó là do doanh nghiệp chưa muốn làm. Trên thực tế, các nhà mạng đang quản lí rất tốt các thuê bao trả sau nhưng lại chưa quản lí chặt thuê bao trả trước. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông đều chỉ muốn phát triển càng nhiều thuê bao càng tốt, còn người dùng thì không muốn phải cung cấp thông tin của mình cho bất kì ai.

Lo lộ thông tin khi dùng điện thoại cá nhân chụp ảnh khách hàng

Để giải quyết tình trạng ùn ứ, quá tải vì đông khách hàng cập nhật thông tin, bổ sung ảnh chân dung, các nhà mạng đã áp dụng thêm phương pháp dùng điện thoại cá nhân của nhân viên để chụp ảnh khách hàng. Việc này dấy lên nghi ngại, liệu thông tin của khách hàng có bị nhân viên lưu giữ và tiết lộ cho bên thứ ba?

Theo đại diện Vinaphone, do lượng khách hàng đến giao dịch quá đông, hệ thống webcam của nhà mạng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Để tạo điều kiện cho khách hàng bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung nhanh nhất, nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp trong đó có việc cho phép nhân viên giao dịch sử dụng điện thoại cá nhân để chụp ảnh chân dung khách hàng.

Làm sao để đảm bảo thông tin cá nhân cho khách hàng? Đại diện Vinaphone cho biết, sau khi chụp ảnh chân dung khách hàng bằng điện thoại cá nhân, nhân viên nhà mạng sẽ có trách nhiệm up ảnh lên hệ thống dữ liệu. Đến cuối ngày, nhân viên được yêu cầu xóa toàn bộ ảnh chân dung khách hàng trong điện thoại. “Vinaphone cam kết bảo mật thông tin cá nhân cho toàn bộ khách hàng”, đại diện Vinaphone khẳng định.

Một nhà mạng khác cũng cho biết, để đảm bảo thông tin khách hàng, các cửa hàng trưởng có trách nhiệm giám sát các nhân viên nhà mạng, sau khi cập nhật thông tin lên hệ thống sẽ phải xóa toàn bộ ảnh chân dung trong máy điện thoại. Cũng theo nhà mạng này, điện thoại cá nhân của nhân viên chỉ dùng để chụp ảnh chân dung khách hàng. Toàn bộ thông tin cá nhân trong chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu sẽ được up trực tiếp lên hệ thống.

Trước câu hỏi, có cần thiết phải gửi ảnh chân dung khi mà chủ thuê bao đã đăng kí bằng chứng minh nhân dân, Cục Viễn thông cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để đảm bảo tính chính danh của thuê bao.

Một thời gian dài trước đây, đã có tình trạng nhà mạng không tuân thủ việc đăng kí thông tin thuê bao, thậm chí hàng loạt thuê bao được đăng kí trùng thông tin cá nhân. Điển hình, một thuê bao của nhà mạng MobiFone đã đăng kí thông tin cho hàng nghìn thuê bao sinh viên.

Khi tiến hành kiểm tra thông tin cá nhân, không ít khách hàng giật mình khi sở hữu các thuê bao lạ dù trước đó chưa từng đăng kí. Điều này khiến cho người dùng có thể gặp rắc rối nếu thuê bao kia được sử dụng cho các mục đích xấu. Tình trạng này là do suốt một thời gian dài các nhà mạng chạy đua phát triển số lượng thuê bao nên đã buông lỏng cho các đại lý phân phối. (ANTT)