Trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 27-12 về phương pháp điều trị sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng, PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc BV đa khoa Trung ương Huế cho biết:
- Chị Nguyễn Thị Sau 52 tuổi, được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn muộn, là người đầu tiên thoát khỏi căn bệnh ung thư sau khi được phẫu thuật hai lần, hóa trị liều cao, điều trị nhắm đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân để tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Sau đó là chị Trần Thị Thu 49 tuổi, cũng được điều trị bằng phương pháp trên. Đây là hai bệnh nhân sau khi được áp dụng phương pháp điều trị mới đã xuất viện khỏe mạnh. Ra viện được một năm, họ vẫn lao động làm việc bình thường, vẫn tiếp tục tái khám sau 3 tháng, 6 tháng, một năm cho thấy rất ổn định.
Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng. Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều trị theo phương pháp mới cho gần 20 bệnh nhân nhiều vùng trong cả nước. Họ đang được thực hiện đúng liệu trình điều trị và cũng rất khả quan, có những thành công bước đầu hơn cả mong đợi.
* Việc điều trị ung thư hiện có nhiều cách, song vì sao khi đối mặt với căn bệnh này nhiều người thường rơi vào suy sụp, thưa PGS Thăng?
- Bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng đối với phụ nữ gây tử vong khá cao. Theo thống kê, hàng năm có tới khoảng 22 ngàn trường hợp mắc và 16 ngàn trường hợp tử vong, một con số đáng kể, do đa số bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn. Điều trị kinh điển gồm phẫu thuật giảm khối u, hóa chất hoặc kết hợp với xạ trị. Nhưng thực tế điều trị đó, thời gian bệnh nhân sống sau 5 năm khoảng độ 20% do họ đã ở giai đoạn muộn.
Đã có nhiều phác đồ hóa chất mới ra đời nhưng vẫn chưa cải thiện. Nhìn bệnh nhân ra đi mà mình không can thiệp được, chúng tôi nghiên cứu đề tài này hy vọng cứu được, kéo dài thời gian sống có ích cho những bệnh nhân không may gặp phải căn bệnh này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thăng
* Vậy phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng có điểm gì tích cực hơn so với cách hiện nay?
- Điểm mới của đề tài này là sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong quá trình điều trị. Nghĩa là sau khi điều trị cơ bản xong như trước đây, chúng tôi phải tách tế bào gốc của bệnh nhân, thu lại và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (-196 độ C), chúng ta có thể bảo quản một thời gian khá dài. Sau đó tiếp tục hóa trị liều cao và nhắm đích, điều trị triệt để các tế bào ung thư di căn và bệnh nhân thường cũng bị suy tủy không hồi phục, do đó ghép tế bào gốc cho bệnh nhân trong môi trường đặc biệt, môi trường vô trùng tuyệt đối. Bệnh nhân và điều dưỡng ở đó suốt thời gian hóa trị liều cao, điều trị nhắm đích và ghép tế bào gốc cho đến khi tủy phục hồi bình thường trở lại. Vấn đề thất bại của các phương pháp kinh điển là phải dừng lại quá trình điều trị khi chưa hết tế bào ung thư.
* PGS cùng tập thể các thầy thuốc BV có gặp khó khăn gì khi thực hiện phương pháp mới mẻ này?
- Khó khăn lớn nhất mà giai đoạn đầu chúng tôi gặp phải là thuyết phục bệnh nhân tham gia nghiên cứu, vì đây là lần đầu tiên. Nhưng bây giờ bệnh nhân lại tìm đến với mình. Giai đoạn đầu dù chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và được Hội đồng cấp Nhà nước thẩm định và cho phép, nhưng phải diễn tập nhiều lần để trở thành "một dàn hợp xướng hoàn hảo” mới có thể thực hiện tốt được.
* Cụ thể là gì, thưa ông?
- Một ví dụ, khi tách tế bào gốc rồi bảo quản và sau đó phải nuôi cấy kiểm tra xem có sống không và tỷ lệ sống có đạt không…, vì sự an toàn cho bệnh nhân là trên hết, là sống còn của sự nghiệp khoa học! Thú thật, với trường hợp bệnh nhân đầu tiên khi thực hiện thành công, họ mừng một thì tôi và nhóm nghiên cứu còn mừng nhiều lần hơn vì điều này mở ra một trang mới trong điều trị ung thư nói chung và có hy vọng cứu được cho nhiều người.
* BV đa khoa Trung ương Huế sẽ chuyển giao công nghệ điều trị mới này tới những cơ sở y tế nào tới đây?
- Theo kế hoạch, tháng 12-2015 chúng tôi sẽ tổng kết đề tài tại Bộ KH&CN và có thể chuyển giao công nghệ cho một số cơ sở lớn. Những nơi đó phải có nguồn nhân lực đảm bảo trình độ nhận chuyển giao, đó là gốc vấn đề. Thứ nữa phải có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.
* Vậy PGS.TS Nguyễn Duy Thăng có ấp ủ kế hoạch gì trong đào tạo các nhà y khoa trẻ và quy tụ nhiều tài năng thấy thuốc để triển khai những nghiên cứu, ứng dụng khoa học mới trong điều trị các bệnh ung thư nói chung?
- Tôi vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc. Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học của tôi ngoài mục đích chính là mở ra phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân tốt hơn, hiệu quả hơn, đều gắn liền công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Những công trình khoa học của tôi đều có đào tạo ít nhất là 1 tiến sĩ và một số thạc sỹ.
* PGS có thể chia sẻ cảm xúc khi thành công của việc điều trị bệnh ung thư bằng ghép tế bào gốc vừa được bình chọn là một trong 10 sự kiện KH&CN ấn tượng nhất năm 2014?
- Không thể tin được đúng vào lúc 23h33 ngày 24-12 vừa qua, VTV1 đưa tin 10 sự kiện KHCN tiêu biểu năm 2014 có tên công trình của mình. Đây là sự động viên quá lớn lao đối với bản thân tôi, tập thể y, bác sĩ trong nhóm đề tài đang ngày đêm thực hiện 3 cùng với bệnh nhân "cùng ăn, cùng ngủ và cùng chống lại bệnh quái ác” và Bệnh viện Trung ương Huế cũng như đối với ngành Y tế trong năm 2014. Thay mặt nhóm nghiên cứu, bệnh nhân và lãnh đạo BV Trung ương Huế, tôi xin gửi nơi đây lòng biết ơn sâu sắc và sẽ tiếp tục cố gắng để không phụ lòng tin.
* Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Duy Thăng. Chúc ông và các đồng nghiệp có những thành công mới trong năm mới 2015.
ĐĐK