141
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 21/06/2018 15:27
Não của người bị mù thực sự có khả năng tăng các giác quan khác để bù lại khiếm khuyết về thị giác
Người ta thường nói khi bị mất đi giác quan này thì giác quan khác sẽ được tăng cường để bù trừ cho khiếm khuyết đó, điều này giải thích tại sao nhiều người mù thực sự có khả năng nghe, ngửi hay cảm nhận môi trường xung quanh tốt hơn những người khác. Điều này đã được chứng thực bằng 1 nghiên cứu của Schepens Eye Research Institute of Massachusetts Eye and Ear được công bố mới đây trên trang PLOS.

Nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt về cấu trúc, chức năng và cả giải phẫu trong não của người mù so với não của những người bình thường. Dựa vào công nghệ MRI, các nhà nghiên cứu đã phân tích não của 12 người bị mù bẩm sinh hoặc trước khi lên 3 tuổi và đem so sánh với 16 bản quét não của người có khả năng nhìn bình thường. Điểm khác biệt so với các nghiên cứu khác là thay vì chỉ tập trung vào thùy chẩm nơi bộ não xử lý các vấn đề liên quan đến việc nhìn thì họ nghiên cứu toàn bộ não để đưa ra kết luận cuối cùng.

Những thay đổi về cấu trúc và chức năng quan sát được cho thấy bộ não của người mù được cấu tạo khác biệt và các thông tin qua lại trong não cũng được thực hiện theo 1 cách khác khi được so sánh với những người bình thường. Các thay đổi này cho thấy có sự nâng cao các kết nối giữa các bộ phận liên quan đến thính giác hay vùng xử lý ngôn ngữ của bộ não, trong khi các khu vực khác như phần xử lý hình ảnh của bộ não sẽ giảm bớt các kết nối mặc dù bộ phận này vẫn hoạt động để cùng phối hợp với các giác quan khác giúp họ "nhìn thấy" thế giới xung quanh theo cách của họ. Nghe rất giống kiểu các cao thủ bị mù trong truyện chưởng khi chỉ cần nghe tiếng gió cũng biết kẻ địch đang ở đâu và xuất chiêu gì :).

Nghiên cứu này cũng cho thấy khả năng bá đạo của bộ não của chúng ta khi nó tự "chạy dây" lại các dây thần kinh để thích nghi theo từng hoàn cảnh. Khi bị mất thị lực, các tế bào thần kinh trong vỏ não chẩm sẽ không phải kiểu nằm đơ đó mà thay vào đó, khu vực này vẫn hoạt động tuy có thể ở tần suất ít hơn để hỗ trợ các giác quan còn lại xử lý các thông tin nhận được. Phát hiện này cũng khớp với các nghiên cứu trước đó cho thấy người bị mù có thể xác định âm thanh bằng cả vỏ não thính giác và thùy chẩm, trong khi những người thường nhìn thấy chỉ sử dụng phần vỏ não thính giác.

Các nhà khoa học dự định sẽ áp dụng nghiên cứu này để xem những thay đổi về não ở một nhóm người khiếm thị khác, đặc biệt là những người bị rối loạn thị giác không phải vì tổn thương nhãn cầu mà là do tổn thương não sớm ở vùng chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh. Tình trạng này, được gọi là suy giảm thị lực vỏ não, cortical visual impairment(CVI), là nguyên nhân hàng đầu của việc rối loạn chức năng thị giác trẻ em ở các nước phát triển trên toàn thế giới. (tinhte)