Theo Quyết định số 238/QĐ-TTg ngày 15.2.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thì Hội đồng gồm 16 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng làm Phó Chủ tịch thường trực và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh làm Phó Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn: tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, phương hướng và giải pháp biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các công việc liên quan trong việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam…; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện biên soạn, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng một số thành viên của Hội đồng tại Lễ ra mắt
Tại buổi Lễ, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thường trực Nguyễn Xuân Thắng cho biết, phương châm biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam là: quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong biên soạn; tôn trọng nguyên tắc dân chủ, khách quan trong khoa học; phải mang đặc điểm và sắc thái Việt Nam; giới thiệu thỏa đáng các tri thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật của thế giới, chú trọng những tri thức hiện đại cần cho độc giả Việt Nam; phải dùng cho số đông người Việt Nam; tư liệu sử dụng phải chính xác, tin cậy, có cơ sở khoa học; phải chú ý đến tính hệ thống, hoàn chỉnh của tri thức…
Để thực hiện nhiệm vụ biên soạn 35 tập của Bách khoa toàn thư Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nhà khoa học thuộc tất cả các ngành khoa học của nước nhà sẽ tham gia vào các Ban biên soạn chuyên ngành. Sớm nhất là đến năm 2016, những nội dung đầu tiên của bộ Bách khoa toàn thư mới có thể khởi động.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng
Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vai trò quan trọng của của Bách khoa toàn thư Việt Nam, đây là “sách của các loại sách”, là “trường đại học không có tường bao”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một công việc khó khăn, có ý nghĩa to lớn với dân tộc, với cộng đồng. Nếu làm đúng và làm tốt sẽ là vinh dự đối với tất cả những người tham gia, nhưng ngược lại, trách nhiệm với con cháu, với lịch sử và với bản thân là vô cùng nặng nề.
(khoahocvacongnghevietnam.com.vn)