Ðến nay, tiến độ chuyển đổi các tổ chức KH và CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa hoàn thành theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NÐ-CP (Nghị định 115) và Nghị định số 96/2010/NÐ-CP (Nghị định 96) của Chính phủ. Theo quy định tại các Nghị định này, đến hết ngày 31-12-2013, ngoài các tổ chức KH và CN công lập thuộc diện nghiên cứu cơ bản, chiến lược, chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động để được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán, các tổ chức KH và CN công lập còn lại hoặc phải chuyển thành doanh nghiệp KH và CN, hoặc chuyển thành tổ chức tự trang trải toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, hoặc bị sáp nhập, giải thể. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp vẫn còn hơn 130 tổ chức KH và CN công lập thuộc các bộ, ngành, địa phương chưa hoặc đang xây dựng đề án chuyển đổi để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và vẫn không có tổ chức nào bị sáp nhập, giải thể theo quy định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do hệ thống tiêu chí đánh giá tổ chức KH và CN công lập để làm cơ sở cho việc phân loại chưa được ban hành. Việc xác định đối tượng thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng.
Do các quy định pháp luật hướng dẫn nội dung thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH và CN công lập thiếu đồng bộ, thậm chí xung đột nhau đã dẫn đến hạn chế quyền tự chủ của tổ chức KH và CN công lập. Trong đó, quyền tự chủ tài chính bị hạn chế trong khuôn khổ định mức chi, nội dung chi lạc hậu, không phù hợp với thực tế, bởi đã được quy định trong các thông tư ban hành từ bảy đến tám năm trước đây. Nhiều nội dung chi hợp lý phát sinh trong hoạt động KH và CN chưa được bổ sung kịp thời. Việc khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH và CN chỉ được áp dụng với những nội dung đã có định mức kinh tế kỹ thuật, các khoản chi chưa có định mức sẽ không được giao khoán kinh phí. Thủ tục thanh quyết toán các nhiệm vụ KH và CN còn rườm rà, phức tạp, cứng nhắc, lãng phí nhiều thời gian và không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu sáng tạo KH và CN. Quyền tự chủ về tài sản bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật về đất đai và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo đó, tổ chức KH và CN công lập không được phép dùng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng và liên doanh, liên kết thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Quyền tự chủ về quản lý nhân lực bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định về phân cấp quản lý của cơ quan chủ quản trong tổ chức KH và CN. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương trước hạn, ký quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài trong nhiều trường hợp không được cơ quan chủ quản phân cấp cho thủ trưởng tổ chức KH và CN công lập. Luật KH và CN năm 2013 cho phép tổ chức KH và CN thuê chuyên gia trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài lãnh đạo tổ chức, nhất là các viện nghiên cứu theo mô hình xuất sắc, nhưng việc này không thực hiện được vì theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức và phải là công dân Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 115, tổ chức KH và CN khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh... nhưng trên thực tế, các tổ chức KH và CN rất khó tiếp cận các nguồn vốn này. Cũng theo Nghị định này, tổ chức KH và CN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc do cách hiểu khác nhau của cơ quan quản lý thuế tại các địa phương.
Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ chức KH và CN công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là về tài chính, việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản tháo gỡ các vướng mắc nêu trên và phù hợp với tình hình thực tiễn là một đòi hỏi cấp thiết. Mới đây, hai bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH và CN công lập. Việc thực hiện quy định của Thông tư này nhằm phát huy tính chủ động, tự chủ của tổ chức KH và CN trong việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao và bảo đảm được cơ chế thu nhập của cán bộ, viên chức theo hiệu quả công việc một cách dân chủ, công bằng trên nguyên tắc "có làm có hưởng, không làm không hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít", khắc phục triệt để tư tưởng bình quân chủ nghĩa, ỷ lại, trì trệ của cơ chế bao cấp.
Dù còn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nhưng thực tiễn hơn chín năm qua đã cho thấy rõ, giao quyền tự chủ thật sự đầy đủ và đồng bộ, nêu cao trách nhiệm của tổ chức KH và CN công lập gắn liền với tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan chủ quản là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KH và CN của đất nước.
ND