Những nhà khoa học không chuyên, sở dĩ có lúc được hội tụ về Hà Nội, không phải do những phát kiến, ý tưởng "mộng mơ", xa rời thực tế, mà chính bởi những sản phẩm họ sáng tạo ra đã đem lại giá trị thiết thực, hữu ích... Hàng trăm sản phẩm, công cụ, thiết bị đã được cuộc sống kiểm nghiệm với kết quả hiện hữu và sáng tạo bất ngờ, làm sững sờ đối với người dân và bất ngờ ngay cả với giới khoa học kinh viện. Có thứ chỉ đơn giản là chiếc bẫy chuột, chiếc máy bóc vỏ lạc, công cụ vót tăm; có thứ lớn hơn như máy cắt lúa, tua-bin phát điện, máy bơm nước, lò sấy lúa… đòi hỏi thời gian, công sức và trí tuệ nghiên cứu nhiều năm mới thành; thậm chí có những sản phẩm như tàu ngầm, máy bay, máy cấy phải đầu tư kinh phí, công sức rất lớn... Có người thành công nhờ sáng chế đã ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Cũng có người mới chỉ… thành danh, đang tiếp tục quá trình tìm tòi, sáng tạo. Dù thành công hay thành danh, họ giống nhau ở niềm đam mê; tinh thần cần cù, chịu khó; khát vọng vươn lên làm đổi thay cuộc sống; sáng tạo ra những sản phẩm thiết thực phục vụ gia đình, địa phương, xã hội...
Những nhà khoa học “chân đất” tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần nói rằng, quá trình hội nhập, phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi làm ra và sử dụng những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao, giá cả hợp lý; bảo vệ được môi trường và những giá trị nhân văn, xã hội. Do đó, việc sáng chế ra những thiết bị, công cụ, phương tiện rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn trên cùng thời gian, diện tích canh tác… chính là mục đích của những nhà khoa học “từ nông dân mà ra”. Không cầu kỳ với những bản vẽ thiết kế thêu dệt như ma thuật; không quá chú trọng tới những công thức, nguyên tắc, thành phần cơ-lý-hóa kinh điển; cũng chẳng cần phòng nghiên cứu, nơi chế tạo, thử nghiệm hoành tráng, chính quy… Điều mà những nhà khoa học “chân đất” quan tâm và đã làm được chính là sáng chế, chế tạo, sản xuất ra những công cụ, phương tiện lao động góp phần thiết thực vào chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, đến chế biến, thương mại, tiêu dùng...
Trở lại với cuộc đối thoại sắp tới giữa lãnh đạo Bộ KH-CN với các nhà khoa học không chuyên. Tinh thần cầu thị, khách quan, biết trân trọng một cách thực chất những sáng chế của người nông dân… là một trong những tiêu chí cần thiết của “bên nghe”. Lắng nghe, tiếp thu và tôn vinh đúng mức của Bộ chủ quản về KH-CN đối với những sáng chế “chân đất” không chỉ là sự ghi nhận, đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay, mà lớn hơn là sự trân trọng, động viên kịp thời; khích lệ niềm đam mê sáng tạo của họ và những người đang có khát vọng đầu tư "chất xám" làm đổi thay cuộc sống. Những “phát minh”, sáng chế được ứng dụng, mang lại hiệu quả rất cần được lựa chọn, tinh lọc, phổ biến rộng rãi. Các ngành chức năng cũng nên nghiên cứu, xây dựng, ban hành những văn bản phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho các nhà khoa học không chuyên nghiên cứu, sáng tạo. Thậm chí, nếu thấy những “dự án khả thi” có thể tư vấn, định hướng, hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí, giúp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… để các nhà khoa học “chân đất” tiếp tục đạt được những thành công mới.
QĐND