492
+ aa -

Kinh tế - Khoa học - Công nghệ

Cập nhật lúc : 14/12/2014 15:02
Đến lúc cần có hành động hiệu quả trong đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo những năm qua đã trở thành một xu thế, một cuộc đua của những người cùng thắng, hoặc bị rớt lại. Để có thể duy trì mức độ tăng trưởng cao và bền vững, con đường được nhiều chuyên gia khuyến nghị cho Việt Nam, chính là con đường tăng cường đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực phát triển công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến năng lực đổi mới sáng tạo, nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, có nhiều chương trình hành động và dự án được thực hiện như Quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam; Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp; Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp; Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam; Dự án Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu KHCN… Các chương trình, dự án cùng chung mục tiêu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân, từng bước khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng, xã hội và góp phần hỗ trợ nhiều ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm cụ thể.

 

Tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh một số thành tựu bước đầu, năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Số lượng ứng dụng bằng phát minh, sáng chế của doanh nghiệp còn rất thấp. Chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp đã áp dụng hoặc thử áp dụng một sáng chế trong vòng 3 năm gần đây. Hầu như không có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào có bằng phát minh sáng chế. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ ở mức bình quân 0,2 - 0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Độ con số này là 5% và Hàn Quốc là 10%. Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn ở một khoảng cách khá xa so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 
 
Cũng tại diễn đàn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn? Theo Phó Thủ tướng, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cho từng dân tộc, từng nền kinh tế muốn bứt thì phải giải quyết những vấn đề căn bản khác nhau, nhưng có một điểm giống nhau là dân tộc nào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, có hệ thống đổi mới quốc gia tốt thì nhất định dân tộc ấy không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, đem lại lợi ích cho mình, và mang cả cơ hội cho những đối tác. Đổi mới sáng tạo từ hơn 10 năm trước đã trở thành một xu thế, một cuộc đua tranh mà không có người thua, chỉ có người chậm lại hoặc tất cả cùng thắng.
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới sáng tạo cần phải làm sao để tất cả mọi người, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội khơi dậy được ý tưởng mới, cổ vũ cho những ý tưởng đó. Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp tạo được môi trường và có sự hỗ trợ tích cực để những ý tưởng đó, nếu tốt, sẽ được phát triển, trở thành những sản phẩm đo đếm được, bán được, đóng góp cho cộng đồng. Các hỗ trợ của dự án của Nhà nước và quốc tế chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp nhất định, đây chỉ là bước đầu. Làm sao để đổi mới sáng tạo trở thành hoạt động thường nhật, sôi nổi của cả cộng đồng. Làm sao cổ vũ được hoạt động đổi mới sáng tạo, để mọi người tự tin rằng, năng lực sáng tạo nằm trong chính bản thân mình. Mỗi người hãy tự tin trình bày những ý tưởng mới, cho dù khác thường, và xã hội hãy cổ vũ cho những ý tưởng đó, để mọi ý tưởng có thể trở thành hiện thực.
 
Mới đây, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố một báo cáo nghiên cứu chung mang tên Đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Sau khi đưa ra nhiều đánh giá xác đáng về thành quả và thách thức, báo cáo khuyến nghị, đã đến lúc phải có những hành động hiệu quả trong đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bởi, năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động mang tính thêm thắt trong các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, mức độ canh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi phải sớm đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến, kể cả hoạt động R&D. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào KHCN, đổi mới sáng tạo gắn với với việc đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.
 
Báo cáo nêu trên đã đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và sáng tạo ở Việt Nam. Trước hết, cải thiện khuôn khổ thể chế về đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, bảo đảm cho các tổ chức nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau và tạo ra một chỉnh thể thống nhất. Tiến trình xây dựng khung thể chế hiện đại cần phải tiếp tục được đẩy mạnh. Khi các cơ quan Chính phủ có tính chuyên nghiệp, có quyền tự chủ và phạm vi hoạt động lớn hơn, thì chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Một chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo hiệu quả phải nhắm tới những mục tiêu mang tính thách thức, nhưng thực tế và khả thi. Đồng thời, cần gấp rút tăng cường nền tảng thông tin về chính sách, tiêu chí và thông lệ đánh giá KHCN và đổi mới sáng tạo.
 
Nhấn mạnh vai trò nguồn nhân lực với quá trình đổi mới sáng tạo, Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần đảo chiều hiện trạng chảy máu chất xám thành thu hút chất xám, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và các kỹ năng mềm, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp gắn với cải thiện khuôn khổ thể chế và các biện pháp chính sách hướng tới đổi mới sáng tạo, cũng như các biện pháp thu hút và liên kết với các doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các loại hình doanh nghiệp- từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, CNTT và R&D. Song song với đó, đẩy mạnh sự đóng góp của các cơ quan nghiên cứu theo hướng làm sao để các kết quả nghiên cứu của các trường viện, trường, cơ quan quan nghiên cứu Nhà nước gắn với nhu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động, giải quyết những hạn chế về nguồn lực và định hướng cũng như hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu công một cách có hiệu quả.

 

Người đại biểu nhân dân