Trâu cày vẫn chưa được thay bằng máy tính
Chỉ cần một máy tính bảng hoặc một chiếc Smart phone có kết nối internet, người nông dân sẽ biết vườn cây nào cần bón phân, bón bao nhiêu, bón loại phân gì, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa... CNTT giúp người nông dân sản xuất vươn lên và tương lai họ sẽ được thụ hưởng nhiều hơn nhờ CNTT. Vậy nhưng, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” vẫn còn hiện hữu ở phần lớn các vùng nông thôn. CNTT mặc dù đã được áp dụng nhưng vẫn còn rất đơn lẻ - trâu cày chưa được thay bằng máy tính? Nghĩa là tư duy, nhận thức và phương pháp sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn chưa thực sự có bước đột phá.
Theo Gs. Ts Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm chương trình KH - CN phục vụ xây dựng nông thôn mới, tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp thấp hơn nhiều so với những công nghệ khác, nông dân tiếp cận với công nghệ còn quá khiêm tốn, nguyên nhân cũng bởi nhận thức của doanh nghiệp và người dân còn chưa nhất quán, chưa thấy được lợi ích mà CNTT mang lại.
Thực tế cho thấy, nước ta đã có thể tiếp cận và đưa ra những dự báo về giá cả, nông sản của thị trường thế giới nhưng nông dân vẫn rơi vào cảnh được mùa, mất giá và vì không đủ thông tin nên đổ xô vào trồng một loại mặt hàng nông sản dẫn tới dư thừa. Các doanh nghiệp Việt Namhiện có nhiều lợi thế để ứng dụng CNTT vào nông nghiệp như sự sẵn sàng về hạ tầng công nghệ, điện thoại thông minh trở nên đại trà thì hầu hết vẫn chưa chạm tay vào lĩnh vực này, chưa đầu tư cho những giải pháp phát triển nông nghiệp.
Mặt khác, đã từng có những chương trình miễn phí đưa máy tính có kết nối internet về nông thôn nhưng gặp phải khó khăn vì nhiều nông dân còn băn khoăn không biết máy tính được sử dụng vào mục đích gì. Họ chưa thấy được vai trò thiết thực của nó trong việc phân tích, dự báo thông tin về thị trường nông sản. Thậm chí, không ít người có quan niệm CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đơn thuần là sử dụng máy tính để dự báo thời tiết mà không biết nó còn bao gồm cả những hệ thống thông tin địa lý - viễn thám phục vụ quản lý sản xuất lúa, dự báo sâu bệnh trên hoa màu hay công nghệ tưới nhỏ giọt được điều chỉnh bằng phần mềm điều khiển tự động sau khi phân tích độ ẩm, không khí, đất đai.
Cần nâng cao nhận thức
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân. Sự thay đổi về tư duy trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân chính là nền móng; sự tiên phong, mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp là lối mở đưa CNTT vào phát triển nông nghiệp. Các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk hay Dalat Hasfarm là dẫn chứng cho thấy vì nhận thức được tầm quan trọng của CNTT đối với nông nghiệp nên đã quyết tâm đầu tư công nghệ vào lĩnh vực này tuy khó khăn, chậm thu lợi nhuận nhưng phát triển ổn định.
Hay Công ty CP Đầu tư Giao Long từng được biết đến là đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT vào nông nghiệp, điển hình là hoạt động đầu tư, quản lý, sản xuất sản phẩm rau sạch Liên Thảo. Bằng hệ thống cho phép ghi chép nhật ký đồng ruộng, đánh mã số ruộng, sản phẩm, doanh nghiệp này đã quản lý một cách khoa học sản lượng hàng hóa, biết được thời điểm thu hoạch phù hợp. Chính việc số hóa thông tin toàn bộ các vùng sản xuất rau an toàn đã giúp doanh nghiệp đưa ra được định hướng cũng như tư vấn cho người nông dân nên trồng cây gì, thời điểm nào và sản lượng bao nhiêu để bảo đảm ổn định nguồn cung cho thị trường mà không gặp phải tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải quyết các vấn đề về chi phí đầu tư, tăng cường tính liên kết trong sản xuất và xóa bỏ tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún... Thực tế, để ứng dụng CNTT, phần lớn các doanh nghiệp phải mua công nghệ từ nước ngoài, ngay cả những tập đoàn lớn như TH True Milk hay Hoàng Anh Gia Lai cũng phải bỏ ra chi phí đầu tư lên tới cả tỷ USD. Ở những quy mô nhỏ hơn, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã ứng dụng ít nhiều CNTT vào quy trình trồng nông sản nhưng do chi phí đầu tư lớn, tới hàng trăm triệu đồng, nên việc ứng dụng thiếu đồng bộ. Đặc biệt, một nghịch lý tồn tại trong ngành nông nghiệp là thiếu tính liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nên đã từng có những vườn trồng rau tại Đà Lạt dù ứng dụng công nghệ hiện đại, xây nhà kính song khi được mùa, sản phẩm làm ra lại không bán được. Bên cạnh đó, trình độ áp dụng công nghệ của người nông dân chưa cao. Vì vậy, cần đào tạo và hỗ trợ cho nông dân về quy trình sản xuất, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm trên cơ sở tạo ra chuỗi liên kết. Đó là một trong những yếu tố cần thiết để ứng dụng thành công CNTT, bên cạnh hạ tầng cáp quang, hệ thống thông tin cho nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp được ví như một xí nghiệp ngoài trời, mang tính phức tạp bởi đối tượng là cây trồng, vật nuôi nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết do vậy nếu ứng dụng CNTT vào nông nghiệp không hề đơn giản. “Vẫn biết là khó, nhưng phải quyết tâm làm, bởi đây là động lực lớn nhất để đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp” - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Người đại biểu nhân dân