Theo dự thảo Tờ trình, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến điều chỉnh các vấn đề: tổ chức đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND; công khai, minh bạch, mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và bảo đảm sự tham gia của nhân dân.
Đáng chú ý, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về đơn vị hành chính tương đương quận, huyện trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo Luật quy định, đơn vị hành chính tương đương trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là thành phố, thành phố này được chia thành phường và xã.
Trên cơ sở tán thành với việc quy định về đơn vị hành chính trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số ý kiến đề nghị cân nhắc liều lượng quy định cho phù hợp và bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lặp với các luật khác như vấn đề phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị…
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật đưa ra hai phương án:
1. Ở quận, phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương và là đại diện của UBND cấp trên trực tiếp tại địa bàn. Riêng đơn vị hành chính đặc biệt có luật riêng để điều chỉnh.
2. Ở quận, phường vẫn tổ chức HĐND.
Góp ý vào dự thảo luật, GS,TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và Pháp luật chỉ ra, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương là một trong những điểm mới của Hiến pháp 2013, nhưng trong Luật này chưa thể hiện rõ nội dung này.
Đồng quan điểm, GS Trần Ngọc Đường, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội cũng cho rằng cần phân định rõ nhiệm vụ của Trung ương và địa phương. Theo đó, quy định cụ thể nhiệm vụ riêng của chính quyền địa phương. Đây là xu hướng hiện nay nhằm tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của địa phương và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị phải làm rõ hơn việc phân cấp, phân quyền địa phương. Cụ thể, địa phương phải có quyền tự quyết về một số vấn đề như: ngân sách, nhân sự...
Một số ý kiến cho rằng cần phải làm rõ chính quyền địa phương gồm những yếu tố cấu thành nào? Phải có cả HĐND và UBND hay chỉ có cơ quan hành chính là UBND? ./.
(ĐCSVN)