Hội nghị Genève, khai mạc tại thành phố Genève (Thụy Sĩ) vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, nhằm bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương, gồm có chín phái đoàn tham dự, đại diện cho chín quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DCCH) Lào và Campuchia (hai phái đoàn Lào và Campuchia chỉ được tham gia dự thính, nguyện vọng của họ được trình bày thông qua đoàn Việt Nam DCCH, do Anh và Liên Xô làm đồng chủ tịch.
Cây cầu lịch sử
Sau hơn mười ngày làm việc, vấn đề cứu vãn hòa bình ở Triều Tiên không đạt kết quả, ngày 8 tháng 5 năm 1954 (nghĩa là sau chiến thắng chấn động địa cầu Điện Biên Phủ một ngày), hội nghị Genève bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Khi phân chia ranh giới tạm thời để tập kết quân đội, tránh những xung đột quân sự có thể xảy ra, “hai bên mặc cả với nhau, Pháp đề nghị ở vĩ tuyến 18, Việt Nam DCCH thì muốn ở vĩ tuyến 13. Ngày 9-7-1954, phái đoàn Việt Nam DCCH đưa ra đề nghị hạ xuống vĩ tuyến 14, Pháp vẫn giữ quan điểm vĩ tuyến 18. Ngày 13-7, phái đoàn Việt Nam DCCH lại hạ yêu cầu xuống vĩ tuyến 16 và đến ngày 19-7 thì hai bên thỏa thuận ranh giới tạm thời sẽ ở vĩ tuyến 17, phù hợp với ý kiến của các nước Anh, Mỹ” và cũng phù hợp với thỏa thuận giữa Pháp và Trung Quốc trong các phiên họp trước đó và tuyên bố của trưởng phái đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai. Hóa ra, từ thời ấy, người ta đã sợ miền Bắc đông dân nhiều đất, dễ thắng lợi trong tổng tuyển cử, sợ ViệtNamsớm thống nhất, nói chung là sợ láng giềng giàu mạnh… Ngược lịch sử, “Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời”, như điều 6 bản tuyên bố chung ghi rõ: “Các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị” và cả khoản a, điều 14 cũng đã ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo qui định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy.” (theo tài liệu đã dẫn). Trong khi từ năm 1956 đến năm 1959, có đến hơn hai mươi lần chúng ta gửi công hàm đề nghị tiến hành tổng tuyển cử, thì chính quyền Sài Gòn im lặng, chỉ trả lời bằng hành động tổ chức các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” được bắt đầu từ mùa hè năm 1955, làm cho hàng nghìn người từng tham gia kháng chiến bị giết.
Trong 15 năm đầu của cuộc chiến tranh, tính trung bình mỗi năm không dưới hai mươi lần ta đề nghị tạo mọi điều kiện để “nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân” (Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa 2, 1955), thì Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn cố tình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng ác liệt. Họ lấy lý do là Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, trưởng phái đoàn Mỹ Bedell Smith và trưởng phái đoàn của cái chính quyền quốc gia do Pháp vừa dựng lên cách đó sáu tuần là Trần Văn Đỗ, đã không ký vào hiệp định. Không ký, nhưng điều nào có lợi cho họ thì họ thực hiện, điều nào có hại thì thôi. Không ký, nhưng họ vẫn cử người tham gia Hội nghị Trung Giá (từ 4-7 đến 27-7-1954) bàn về việc rút quân, tham gia rút quân và vận động, lừa phỉnh hơn một triệu người dân thường di cư vào Nam, nhưng tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì họ từ chối. Tổng thống Ngô Đình Diệm ngoan cố là bởi thời điểm đó dân số miền Bắc đông hơn miềnNamkhoảng hơn hai triệu người, tổng tuyển cử họ sợ thua phiếu. Hơn nữa, theo điều tra xã hội học của các nhà khoa học Mỹ thời đó, có khoảng hơn 80% dân số Việt Nam tín nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thua là cái chắc. Họ cố biến dòng sông giới tuyến tạm thời, chiếc cầu dã chiến tạm thời thành biên giới.
Tiếng vang quá khứ
Có lần tôi ra cầu Hiền Lương ở lại khá lâu, có thời gian đếm từng miếng ván cầu, xoa tay vào những thanh sắt cầu còn nóng và thơm mùi nắng, tìm đường xuống bến sông vốc nước mát vào đôi tay lá sen, hắt tạt tràn lên mặt… Đó là lần đi cùng với anh Trần Bá Đại Dương, công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, đâu vào mùa hè khoảng năm 1982, 1983 gì đó, chúng tôi đi thực tế sáng tác với tư cách là thành viên CLB Sáng tác văn học trẻ của Thành đoàn Huế. Từ Huế, chúng tôi bỏ xe đạp lên xe đò, ra đến bến xe Đông Hà, xuống xe đạp xe đạp mười mấy cây số ra cầu Hiền Lương, ở lại đó buổi trưa ăn xôi tự bới theo, chiều mát đạp xe về Cửa Tùng có xã lo nuôi ăn, đêm vác chiếu ra biển ngủ, chờ những thuyền đánh cá trở về, người ta nướng cá tươi nhâm nhi cùng mấy cốc rượu đế. Tất nhiên, nơi đây từng là nơi nghỉ mát của các danh gia vọng tộc, nhưng những ngôi biệt thự của Khâm sứ Trung kỳ, của Quốc vương Lào, của vua Bảo Đại, hoặc những khách sạn lớn như Hotel Cáp, đã bị bom Mỹ hủy diệt, xóa sạch không còn dấu vết. Thời ấy, ở Huế đời sống vẫn còn khó khăn, vừa qua thời ăn độn bo bo, lại chuyển sang thời độn sắn. Ở Cửa Tùng, cơm trắng cá tươi, rau sạch, dưa, bí nhiều, chúng tôi lại đang tuổi thèm ăn. Ăn cho no, sáng lần mò các địa đạo, nghe các nhân chứng kể chuyện chiến tranh, chuyện bà con bắt tàu Mỹ, chuyện Mỹ ném bom sụp địa đạo; chiều và đêm ra biển ngóng thuyền về.
Sau này, tôi đã tham dự trại viết nhiều lần ở Đà Lạt, Cửa Lò, Tam Đảo… có trại qui mô đến hơn bốn mươi người, kéo dài đến cả tháng, tất nhiên chế độ ăn uống, phương tiện làm việc tốt hơn, có máy tính, có phòng máy lạnh và có cả phương tiện thông tin liên lạc qua mạng, nhưng không có chuyến đi nào để lại sức sống lâu bền trong ký ức tôi bằng chuyến đi Cửa Tùng năm ấy.
Một trong những phẩm chất làm nên vẻ đẹp trong tâm hồn con người là luôn đồng vọng về quá khứ. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để thế hệ mai sau vẫn giữ được mạch nguồn của tình cảm đã từng được tượng hình trong tâm tưởng cha ông. Không ít người đã lo lắng rằng , thế hệ trẻ bây giờ đang lao theo những cuồng vọng vật chất mà lạt lòng với quá khứ của cha ông. Không hẳn thế đâu. Bằng chứng là hai anh em song sinh, là hai họa sĩ Thanh và Hải, sinh ra ở Quảng Bình sau khi chiến tranh kết thúc hằng chục năm, đã bỏ công, của và cả tâm huyết làm phim về cầu Hiền Lương – Bến Hải. Bằng chứng là, hôm tôi đang đi trên xe ra dự đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ngang cầu Hiền Lương, còn thấy nhiều cặp thanh niên nam nữ tuổi mười tám, đôi mươi đi xe máy ngang cầu còn dừng lại chụp ảnh trên bãi cỏ xanh ngắt, bên cạnh tấm biển có ghi “Nơi đặt cột cờ của chính quyền Sài Gòn”... Còn bao nhiêu dẫn chứng khác nữa. Vấn đề chính là ở chỗ, những người có trách nhiệm như ngành bảo tồn di tích hãy làm sao cho các cháu có chỗ để đến thăm, có bóng mát để vui chơi, có cái để đọc để hiểu, nối liền đời sống dòng sông và chiếc cầu trong một dòng chảy lịch sử, vọng về quá khứ để hướng đến tương lai.
TTH