Sáng 23/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ban soạn thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội đã khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Trong đó, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Không thể hiện trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội; không quy định cứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã rất trách nhiệm, khẩn trương, kịp thời trong xây dựng Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Cơ bản tán thành các nội dung trọng tâm tại Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về thời gian phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường, việc không trình bày báo cáo thẩm tra đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội; nghiên cứu cách thức tổng hợp hiệu quả ý kiến thảo luận tại Tổ, chọn lọc vấn đề lớn, có tính chất chi phối...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội trong điều kiện đang triển khai Quốc hội điện tử, Quốc hội số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, sửa đổi Nội quy kỳ họp cần tăng cường tính minh bạch, công khai. Trong đó, lưu ý tăng cường truyền hình các phiên họp của Quốc hội đối với những nội dung liên quan mật thiết tới cử tri, nội dung được cử tri quan tâm; công khai các biên bản thảo luận cho đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, chú trọng nâng cao chất lượng thảo luận, quy định cụ thể thời gian, tránh lan man, đảm bảo mỗi ý kiến phát biểu đều tập trung vào trọng tâm vấn đề; trong quá trình điều hành phiên họp cần linh hoạt, phân bổ thời gian hiệu quả; khuyến khích đại biểu Quốc hội phát biểu trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung; đặc biệt đại biểu Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri, đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương, quy định ứng dụng công nghệ, tập huấn thường xuyên để đại biểu Quốc hội sử dụng hiệu quả; tăng cường giám sát thực hiện nội quy...
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về việc trình bày báo cáo thẩm tra, về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội; về tổng hợp, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; về thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đối với các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định để gửi hồ sơ chính thức của dự thảo Nghị quyết đến đại biểu Quốc hội; đồng thời, gửi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra và báo cáo Quốc hội./. (dangcongsan.vn)