Bác Hồ đã để lại cho chúng ta nhiều bài viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Bác viết xong vào tháng 10-1947.
Bác viết rất dễ hiểu. Khuyết điểm trong cán bộ, đảng viên được nêu thành "bệnh", các biểu hiện của bệnh được chứng minh cụ thể, nêu rõ nguy hại, chỉ rõ nguyên nhân và bày cách khắc phục.
Tôi biết có Đảng anh em cũng từng nêu ra cuộc vận động "chỉnh đốn tác phong”, trong đó, xây dựng tác phong trong học tập là lý luận phải liên hệ với thực tế, xây dựng tác phong trong công tác là đi đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng và xây dựng tác phong trong đấu tranh nội bộ Đảng là phê bình và tự phê bình.
Tôi cũng được nghe nói đến tác phong của người cộng sản là phải có "cái đầu lạnh" và "trái tim nóng". Khi tham dự các cuộc bàn thảo trong Đảng để quyết định về chủ trương lãnh đạo thì phải bình tĩnh, động não, suy nghĩ cân nhắc, tức là phải có "cái đầu lạnh". Nhưng sau khi đã có nghị quyết của Đảng thì người cộng sản phải có "trái tim nóng”, tức là hăng hái, sôi nổi, quyết tâm tổ chức thực hiện. Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây cũng có lời khuyên về tác phong công tác là kết hợp tinh thần cách mạng Nga với đầu óc thực tế Mỹ…
Trong sách Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ không chỉ bàn về vấn đề tác phong như trên, mà còn bàn đến vấn đề rộng lớn - vấn đề xây dựng Đảng. Sửa đổi lối làm việc Bác viết là để chống chủ quan, làm cho Đảng ta quán triệt phương pháp tư tưởng khoa học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác, là để chống bệnh cô độc, hẹp hòi, làm cho Đảng ta xây dựng được một lực lượng chính trị mạnh, là nhằm làm cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc quyết định sự thành công của cách mạng và chống thói ba hoa, làm cho cán bộ, đảng viên ta gắn bó với quần chúng khi nói, khi viết.
“Sửa đối lối làm việc" theo Bác là nhằm làm cho cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, khắc phục các biểu hiện làm việc không đúng, không khéo. Đúng và khéo có tác động lẫn nhau. Làm việc vừa đúng, vừa khéo sẽ mang lại hiệu quả lớn. Chủ trương sai mà có lối làm việc khéo sẽ sớm phát hiện sai lầm và hạn chế được tác hại.
Trong sách Sửa đổi lối làm việc, đáng chú ý là có nhiều chỗ Bác nhắc đến chữ "khéo". Chẳng hạn như.
- “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo".
- "Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát".
- "Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi".
- "Phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm".
- Trong cách đối với cán bộ, Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần về “khéo dùng cán bộ”. "Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: "Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc"".
- "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ hóa ra tài to".
- "Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi".
- Bác cũng cho rằng: "Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”; "Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành”; "Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng".
Bác cho rằng, khuyết điểm trong cán bộ, đảng viên có nhiều thứ, được chia vào ba hạng:
- Hạng một là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan, đưa đến lối làm việc không đúng, không khéo, không điều tra nghiên cứu tình hình thực tế diễn biến cụ thể ở từng nơi, từng lúc, từng loại người... khác nhau, để có chủ trương cụ thể, phù hợp, có cách làm cụ thể khác nhau.
- Hạng hai là khuyết điểm về bệnh hẹp hòi, là lối làm việc không đúng, không khéo của cán bộ, đảng viên với người ngoài Đảng, có tác hại lớn trong việc xây dựng sức mạnh đại đoàn kết.
- Hạng ba là khuyết điểm về thói ba hoa, là lối làm việc không đúng, không khéo trong cách nói, cách viết. Cán bộ, đảng viên làm việc gì cũng phải qua nói hoặc viết, mà nói và viết ba hoa cũng có hại như bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi. Nói, viết ba hoa tức là nói, viết dài dòng, rỗng tuếch, cầu kỳ, khô khan lúng túng, báo cáo lông bông, lụp chụp cẩu thả, sáo cũ, nói không ai hiểu, ham dùng chữ Hán, chữ nước ngoài, có khi lại dùng không đúng, trong lúc tiếng ta có thì không dùng. Thói ba hoa này làm mất công người nghe, người đọc. Xét thấy trong cán bộ, đảng viên còn nhiều người chưa hiểu đúng tác hại của thói ba hoa, chưa chú trọng việc học nói, học viết nên trong sách Sửa đổi lối làm việc, Bác đã để hẳn một phần chuyên bàn về "chống thói ba hoa".
Sách Bác viết cách đây đã 60 năm nhưng lối làm việc không đúng, không khéo do bệnh chủ quan, hẹp hòi và thói ba hoa gây ra, ngày nay ôn lại, vẫn thấy còn tính thời sự nóng hổi.
Nếu được nghiên cứu kỹ, liên hệ với thực trạng về tư tưởng trong Đảng, trong các cấp ủy, trong các chi bộ, trong bản thân mỗi đảng viên, để kiểm điểm một cách nghiêm túc, vận dụng cách bắt mạch, kê toa, trị bệnh của Bác về các bệnh Bác nêu và phát hiện thêm bệnh mới, giữ cho cán bộ, đảng viên ta có lối làm việc đúng và khéo, sẽ vô cùng bổ ích./.
ĐCSVN