Đại biểu Đồng Hữu Mạo cho rằng: Tại Điều 6 của dự thảo chỉ quy định giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chứ không quy định giám sát Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... Quy định như vậy là không phù hợp. Lâu nay, khi Quốc hội giám sát tối cao tại Hội trường thì đại biểu chất vấn Chủ tịch Quốc hội, chất vấn Thủ tướng,... Vậy đó có phải là hình thức giám sát tối cao hay không? Theo như quy định tại Khoản 2, Điều 70 của Hiến pháp thì Quốc hội có quyền giám sát tối cao việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban TVQH, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao… Việc xét báo cáo công tác là một trong những hình thức giám sát tối cao. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Về bầu các hội đồng và ủy ban của Quốc hội, đại biểu Đồng Hữu Mạo băn khoăn: Khoản 3, Điều 8 của dự thảo quy định Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, việc quy định như trên là vi phạm Hiến pháp. Bởi lẽ, theo Khoản 6, Điều 74 của Hiến pháp quy định Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước... Như vậy việc bầu này do Ủy ban TVQH chứ không phải do Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Vấn đề thứ ba theo đại biểu Đồng Hữu Mạo, tại Điều 72, 73 quy định Ủy ban Kinh tế có chức năng thẩm tra các chính sách cơ bản về tiền tệ và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thì thẩm tra về tài chính quốc gia. Trong thực tiễn điều hành nền kinh tế thì 2 vấn đề này luôn song hành với nhau và thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, 2 vấn đề này giao lại cho 2 cơ quan thẩm tra khác nhau rồi sau đó trình ra Quốc hội, như vậy là không phù hợp. Đề nghị chỉ nên giao cho 1 ủy ban thực hiện thẩm tra các vấn đề này. Ngoài ra, theo quy định Luật Giám sát của Quốc hội hiện hành thì Đoàn ĐBQH cũng có chức năng giám sát, và trong thực tế thì Ủy ban TVQH thường giao cho Đoàn ĐBQH các tỉnh giám sát. Vì vậy, không nên hạn chế quyền hạn của Đoàn ĐBQH về vấn đề này, dẫn đến hệ quả rất khó xử lý, đặc biệt là rất khó khăn về cơ sở pháp lý khi ban hành Quyết định giám sát.
Qua thảo luận, đa số đại biểu cho rằng, việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội được thực hiện trong bối cảnh chúng ta vừa có Hiến pháp mới và tình hình phát triển của đất nước đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với Quốc hội và ĐBQH. Nếu làm luật tốt sẽ giúp đổi mới và nâng cao hiệu lực, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH. Mong rằng, sắp tới Uỷ ban TVQH sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề để ĐBQH tiếp tục thảo luận, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để có một dự án luật tốt nhất trình QH xem xét, thông qua và đặt nền tảng pháp lý để QH đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đất nước, của nhân dân. Một số ý kiến còn băn khoăn về vấn đề cơ cấu và cách thức tổ chức Quốc hội và Đoàn ĐBQH để làm sao đề cao được trách nhiệm của từng ĐBQH hơn nữa, thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp ĐBQH là trung tâm hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cho rằng nên nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%.
Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe lãnh đạo các bộ, ngành trình bày các tờ trình và báo cáo thẩm tra về các dự án luật: Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo; Luật Mặt trận Tổ quốc ViệtNam(sửa đổi).
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tài Nguyên, Môi trưởng Biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí với tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.
TTH