Hội thảo là dịp để nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử và những giá trị to lớn những nội dung trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng ViệtNam. Đồng thời, cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả qua chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Người nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân.
Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Theo thời gian, bản Di chúc thiêng liêng của Người luôn trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn hết sức quan trọng để quân và dân ta tiến lên dành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc thật giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng. Nhận thức rõ những giá trị đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đẩy mạnh những hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn cuộc sống hiện nay. Cùng với việc khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị liên quan đến việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử với hơn 50 bài tham luận về nội dung của bản Di chúc. Những bài viết thể hiện nhiều mức độ nghiên cứu khác nhau và khẳng định những giá trị của di sản Người để lại, đánh giá thành tựu và bài học kinh nghiệm qua 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ các giá trị của những nội dung trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới; tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới.
GS.TS Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng) cho biết: Ngoài việc nêu lên “điều mong muốn cuối cùng” của mình là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh nêu tập trung vào 6 vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải giải quyết sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Trong sự nghiệp cách mạng giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn rất cần có sự nhận thức thêm và cần có sự thực hiện tích cực hơn, mạnh mẽ hơn.
Nói về thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách với người có công, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Viện Lịch sử Đảng) cho rằng: thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đồng bào cả nước đã chăm lo ưu đãi người có công với tất cả sự quý trọng, biết ơn và khả năng có thể. Việc thực hiện chính sách người có công có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội, đạo đức, đạo lý gắn liền với sự phát triển và sự trường tồn của dân tộc.
Hiện cả nước có trên 8,2 triệu người có công đang được hưởng chế độ chính sách, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng cần phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng trong các trường hợp không còn giấy tờ, không còn đồng đội để xác nhận; kiên quyết xử lý, khắc phục những biểu hiện vô cảm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách người có công.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, thực hiện tốt chính sách với người có công bắt đầu từ những quan điểm, chủ trương đúng đắn được đề ra từ các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, các tổ chức đảng các địa phương và cơ sở. Nhà nước và Chính phủ kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, chính sách bảo đảm sự thực hiện thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách người có công…
ĐCSVN