Tại Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, sáng 12/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi sự chung sức đồng lòng, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm của toàn xã hội để làm sạch bom mìn, giải phóng đất đai, phát triển sản xuất, giảm thiểu tai nạn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Được biết đến như một đất nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề nhất thế giới, có tới hơn 20% diện tích đất đai của Việt Nam, trải khắp 63 tỉnh, thành phố, bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với khối lượng ước tính còn 800.000 tấn.
Ô nhiễm bom mìn, vật nổ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội. Số nạn nhân bom mìn được ghi nhận lên đến 102.000 người, trong đó khoảng 40.000 người chết và 62.000 người bị thương.
Và điều đáng nói là con số đó vẫn hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đứng trước nguy cơ tiếp tục gia tăng, dù những năm gần đây, tai nạn do bom mìn đã giảm đáng kể nhờ diện tích ô nhiễm bom mìn được làm sạch tăng lên và công tác giáo dục, truyền thông giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, dành hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho công tác rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: VGP/ĐìnhNam
Với những kết quả rất đáng khích lệ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình mẫu mực trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Nhưng do tình trạng ô nhiễm nặng nề trên một diện tích rất rộng, địa hình phức tạp nên phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm cùng một lượng kinh phí rất lớn mới có thể khắc phục được hoàn toàn hậu quả ô nhiễm do bom mìn, vật nổ.
Việc khắc phục hậu quả bom mìn rất cần sự chung sức, đồng lòng cùng truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm của toàn xã hội cũng như sự hợp tác, hỗ trợ với tinh thần nhân đạo và chia sẻ của cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cám ơn các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cá nhân đã ủng hộ, chia sẻ hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn cũng như trong khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước, góp phần gìn giữ, kiến tạo hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đánh giá sự ra đời của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ là nòng cốt để tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục phòng tránh, vận động tài trợ, tham gia đối ngoại nhân dân và cả những hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này.
Đây sẽ là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Phó Thủ tướng trân trọng trước tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm đa số hội viên của Hội Hỗ trợ khắc phục Hậu quả Bom mìn Việt Nam, những người đã từng trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Nhiều người đã trực tiếp chứng kiến đồng đội, người thân ngã xuống bởi bom đạn.
“Những người, dù tuổi không còn trẻ nhưng luôn mang trong mình dòng máu “mãi mãi tuổi 20” với mong muốn được cống hiến, được phục vụ mặc dù hơn ai hết các anh, các chị hoàn toàn xứng đáng được nghỉ ngơi”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên ban chấp hành Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Ảnh: VGP/ĐìnhNam
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (VNASMA) là tập hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia, với nòng cốt là các cựu tướng lĩnh quân đội từng lăn lộn qua nhiều chiến trường, nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp nạn nhân bị tai nạn hòa nhập cộng đồng, tái định cư khỏi vùng ô nhiễm.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội cho biết các nhiệm vụ chính của hội là tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để hơn.
Chinhphu.vn