Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã báo cáo tóm tắt Đề án và dự thảo Tờ trình Ban Bí thư về Đề án “Mô hình tổ chức của đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước”. Trong đó, nêu rõ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc sau 5 năm thực hiện Quy định 196-QĐ/TW về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và Quyết định 197-QĐ/TW của Ban Bí thư quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương.
Sau quá trình sắp xếp, kiện toàn theo Quy định 196 của Ban Bí thư về tổ chức Đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đến nay trong 116 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, có 115 đảng bộ và 1 chi bộ. 115 đảng bộ được tổ chức theo 3 mô hình: Đảng bộ toàn doanh nghiệp; đảng bộ công ty mẹ và công ty mẹ mở rộng; đảng bộ cơ quan và đảng bộ cơ quan mở rộng. Tuy nhiên, hoạt động chỉ tập trung ở hai loại chính là đảng bộ toàn doanh nghiệp và đảng bộ chưa toàn doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc thực hiện Quy định 196-QĐ/TW của Ban Bí thư về lập đảng bộ toàn doanh nghiệp tiến độ rất chậm và còn nhiều vướng mắc, lúng túng; việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng còn nhiều khó khăn, bất cập. Mô hình đảng bộ và cấp bộ đảng trong doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, hiện vẫn còn tồn tại nhiều loại hình mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp như: đảng bộ cơ quan, đảng bộ cơ quan mở rộng, đảng bộ công ty mẹ, đảng bộ công ty mẹ mở rộng, đảng bộ toàn doanh nghiệp, đảng bộ trong đảng bộ ...
Vì vậy, theo dự thảo, Ban chỉ đạo đề án đề xuất 3 phương án. Trong đó, phương án 1 đề xuất giữ nguyên các đảng bộ doanh nghiệp như hiện nay cả mô hình tổ chức và cấp trực thuộc; phương án 2 là trong năm 2014, lập thêm đảng bộ toàn doanh nghiệp đối với một số đảng bộ thuộc lĩnh vực ngân hàng thương mại, các đảng bộ khác giữ nguyên như hiện nay; phương án 3 là giữ nguyên 20 đảng bộ doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an như hiện nay do tính chất đặc thù về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Tại Hội nghị, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề xuất, nên làm rõ khái niệm thế nào là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đặc biệt để xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp, trên cơ sở đó, sẽ xác định rõ mô hình tổ chức đảng cụ thể hơn tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Quang Thao, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, cần xác định rõ hiệu quả từ việc tổ chức sinh hoạt đảng, công tác tổ chức cán bộ, tổ chức các lớp bồi dưỡng, quán triệt, các cuộc kiểm tra, giám sát…giữa đảng bộ toàn doanh nghiệp với đảng bộ trực thuộc cấp ủy địa phương để thấy sự so sánh cụ thể và làm rõ thế mạnh của từng loại hình…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá cao nỗ lực và các ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu Tổ giúp việc cần tiếp tục tổng hợp hoàn thiện Đề án, Tờ trình có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, có tính thuyết phục cao để trình Ban Bí thư. Đồng chí yêu cầu, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở các chuyến đi thực tế của các đoàn công tác và tổng hợp báo cáo từ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 196-QĐ/TW, Quyết định 197-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X. Trong đó, cần đánh giá thật sát với tình hình thực tế, thực trạng của các doanh nghiệp; đánh giá ưu điểm, hạn chế của từng loại hình tổ chức đảng trên thực tế; nói rõ những ưu điểm, hạn chế và đưa ra đề xuất mô hình nào có ưu thế hơn để lựa chọn trong tương quan so sánh. Mô hình tổ chức đảng phải phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nào đủ tiêu chí, điều kiện theo mô hình tổ chức đảng toàn doanh nghiệp thì giữ nguyên, ngược lại doanh nghiệp nào không đủ tiêu chuẩn thì thành lập tổ chức đảng theo mô hình khác; các doanh nghiệp đủ tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp thì tiếp tục được thành lập và bổ sung.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, mô hình tổ chức đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước phải đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất của đảng bộ trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phải theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội./.
(ĐCSVN)