323
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 25/09/2014 08:45
Để giám sát, phản biện đạt hiệu quả, cán bộ Mặt trận cần phải có trình độ
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019). Tuy nhiên, để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe một cách thuyết phục mà phải làm cho dân tin bằng những việc làm, hành động cụ thể. Có như vậy, Mặt trận mới tập hợp được ý kiến của dân và phát huy tốt nhất trí tuệ xã hội trong các hoạt động giám sát và phản biện.
Công tác giám sát và phản biện xã hội đã được nhiều đại biểu góp ý tại các hội nghị góp ý vào văn kiện Đại hội VIII MTTQ ViệtNam. (Ảnh: TH)

Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được chuyển tới cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được mang ra ánh sáng... Có thể nói, vai trò giám sát của nhân dân là vô cùng quan trọng và không gì có thể thay thế được. Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế.

 

Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam Lưu Văn Dần cho rằng, đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở vẫn chưa đủ mạnh để làm công việc này. Công tác giám sát và phản biện hiện vẫn còn hình thức, đặc biệt vai trò của cán bộ Mặt trận còn thấp, chưa được đánh giá cao.

Đồng tình quan điểm Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh thừa nhận, nhiệm kỳ qua, công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận chưa được chú trọng, công tác đào tạo tập huấn chuyên sâu chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, ở một số nơi, sự vào cuộc của Mặt trận chưa đồng bộ, còn đùn đẩy, né tránh…

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới là thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Giám sát cán bộ, công chức, đảng viên; giám sát các công trình xây dựng; giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công; giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp… Đó là những nội dung rất cụ thể mà Mặt trận các cấp đã và đang triển khai.

 

Ở hầu hết Đại hội Mặt trận các cấp cũng như các cuộc họp góp ý vào văn kiện Đại hội VIII MTTQ Việt Nam ở Trung ương, vấn đề nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội được nhắc tới rất nhiều. Theo nhiều đại biểu, để làm tốt việc giám sát, phản biện xã hội, cán bộ Mặt trận cơ sở phải có trình độ, có hiểu biết sâu, có kinh nghiệm, tâm huyết. Để có được những ý kiến giám sát, phản biện xã hội có sức thuyết phục thì cán bộ Mặt trận cần phải có trình độ nhất định ở lĩnh vực mà mình giám sát, phản biện thì mới có thể đưa ra được những phân tích, nghiên cứu, những ý kiến có tính thuyết phục.

 

Ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Trước hết, cán bộ Mặt trận phải nắm chắc luật. Thứ 2 phải gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân. Thứ 3 là dám nói, ủng hộ cái đúng, phản đối cái sai và đưa ra ý kiến. “Nếu anh ủng hộ không thì không đúng, mà bác không thì không phải phản biện, phải đưa cái thay thế ra. Đây là vấn đề khó chứ không phải dễ, phải có trình độ, biết luật, sát dân và có tư duy độc lập, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới thực hiện được” – ông Hoàng Thái khẳng định.

 

Đề cập đến nội dung giám sát và phản biện của Mặt trận thể hiện vai trò làm chủ và quyền làm chủ của nhân dân, Mặt trận đại diện cho nhân dân để thực hiện vai trò, trách nhiệm này, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến việc Mặt trận phải huy động được sức mạnh của toàn dân. Bởi nếu chỉ riêng cán bộ chuyên trách thì không làm được. Cái tài của Mặt trận là tổ chức và phát huy sức mạnh của dân để dân giám sát và phản biện.

 

Ông Nguyễn Túc nêu rõ: “Giám sát, phản biện của Mặt trận là giám sát, phản biện của nhân dân. Dân hưởng ứng nhiều thì ta thành công nhiều, dân hưởng ứng hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn, còn dân hưởng ứng ít thì khó khăn. Ở đây vấn đề chính là cán bộ Mặt trận, đặc biệt cán bộ chuyên trách tổ chức nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, trên mọi lĩnh vực, đặc biệt những cán bộ, người cao tuổi có trình độ và đã từng kinh qua hoạt động đó”.

 

Cùng quan điểm, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, muốn ý kiến giám sát, phản biện có sức thuyết phục thì cán bộ phải có trình độ nhất định ở lĩnh vực cần giám sát để đưa ra ý kiến thuyết phục. Người tham gia giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải có kiến thức; không chỉ kiến thức về mặt quản lý, kiến thức về mặt xã hội mà đòi hỏi kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ. Ví dụ, như Tổng hội Y học Việt Nam được giao nhiệm vụ giám sát hành nghề y tế tư nhân thì cũng cần phải hiểu y tế tư nhân là gì? Mục đích, chính sách của Chính phủ đối với y tế tư nhân, đặc thù của y tế tư nhân... trên cơ sở đó mới có thể vạch ra được mục đích giám sát, nội dung giám sát, phương tiện giám sát, tổ chức việc giám sát...

 

Nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long lưu ý, Mặt trận không nên ôm đồm một lúc nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội. Bởi vì, không ở đâu, không cái gì qua mắt được nhân dân. Do đó, Mặt trận cần dựa vào giám sát, phản ánh của người dân để nâng cao vị trí, vai trò của mình. Mà, hiệu quả nhất là Mặt trận nên thông qua các tổ chức thành viên, các đoàn thể chính trị - xã hội để giám sát vào từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Chẳng hạn, đoàn thanh niên giám sát trong đoàn viên, thanh niên, tổ chức đoàn,…; Hội Nông dân giám sát trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân;… Nói tóm lại, "lưới trời” là nhân dân, và bất cứ sai trái, vi phạm gì xảy ra ở khu dân cư thì đều không qua mắt được nhân dân. Mặt trận cần dựa vào dân, tận dụng sức dân vào công tác này.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng, để công tác giám sát và phản biện xã hội hiệu quả hơn cần nâng cao trình độ của cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp. Cần có cơ chế để huy động nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia cho công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Mặt khác, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần coi trọng một cách đúng mức vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận; đồng thời có cơ chế để người đứng đầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản biện của người dân, của các đoàn thể. Cùng với đó là huy động ngày càng nhiều người dân thực hiện tốt vai trò thành viên giám sát trong cộng đồng...

 

Muốn giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả, Mặt trận phải tập hợp được tất cả những tiếng nói tâm huyết trong dân và bản thân tổ chức Mặt trận phải đi vào những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, nắm được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của người dân, cả những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt trận phải thực hiện được yêu cầu mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ ViệtNamtừng khẳng định: “Không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe một cách thuyết phục mà phải làm cho dân tin bằng những việc làm, hành động cụ thể. Có như vậy mới tập hợp được ý kiến của dân và phát huy tốt nhất trí tuệ xã hội trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội”./.

 

(ĐCSVN)