Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan tư pháp và báo chí.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: Qua hơn 9 năm, thực hiện Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Chiến lược CCTP đến năm 2020, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện một số nhiệm vụ CCTP vẫn còn chậm, chưa theo đúng lộ trình. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược CCTP cũng như các văn kiện của Đảng chưa thực sự đầy đủ, nhất quán; chưa thể hiện quyết tâm cao trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại cơ quan, tổ chức mình...
Để thực hiện thành công, nhất là đạt được mục tiêu Chiến lược CCTP đến năm 2020 đề ra là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng chí Lê Thị Thu Ba khẳng định: Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thể chế hóa chủ trương CCTP thực hiện đồng bộ, đầy đủ.
Đồng chí Lê Thị Thu Ba đề nghị: Các cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp. Qua đó, góp phần tăng cường hơn nữa sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện các nhiệm vụ CCTP theo tinh thần các văn kiện của Đảng. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết của người dân, tổ chức với chủ trương, nhiệm vụ CCTP, củng cố niềm tin của người dân, tổ chức vào chủ trương, pháp luật về cải CCTP.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các phương thức, nội dung tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp. Trong đó, đề nghị tập trung vào những nội dung cốt lõi như: Chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ CCTP được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn kiện khác của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ CCTP theo Kết luận số 92 – KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020; những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa chủ trương CCTP; những vấn đề CCTP đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Bộ luật về dân sự, hình sự và hoạt động của các cơ quan tư pháp...
Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra, các đại biểu kiến nghị cần xây dựng Đề án tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ CCTP theo lộ trình; phân loại đối tượng tuyên truyền để có hình thức tuyên truyền phù hợp với thông tin đa chiều (cả những kết quả đạt được và hạn chế), tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm. Ngoài hình thức tuyên truyền trên các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí, cần chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua các báo cáo viên để thông tin về CCTP có chiều rộng và chiều sâu, đến gần với cán bộ, đảng viên và người dân.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các cơ quan tư pháp và thông tấn báo chí, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương khẳng định trong thời gian tới Ban Chỉ đạo CCTP sẽ chủ động tăng cường phối hợp cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí; đồng thời tạo điều kiện cho các phóng viên tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để thông tin rõ nét, sát thực hơn về hoạt động CCTP tại các địa phương./.
Sau hơn 9 năm thực hiện Chiến lược CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã thu được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng; khẳng định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra cơ bản là đúng đắn. Kết quả CCTP trong các lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, luật sư, bổ trợ tư pháp; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, giám sát của các cơ quan dân cử và giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp…, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật
(ĐCSVN)