Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Đại hội biển Đông Á được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên. Đến nay, tổ chức quốc tế Quản lý tổng hợp bền vững Biển Đông Á (PEMSEA) đã tổ chức được 4 đại hội: Lần thứ nhất vào năm 2003 tại Malaysia, lần thứ 2 vào năm 2006 tại Trung Quốc, lần thứ 3 năm 2009 tại Philippines, lần thứ 4 năm 2012 tại Hàn Quốc và đây là lần thứ 5, được tổ chức vào 2015 tại Việt Nam.
Với lần thứ 5, Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ 17 – 21/11/2015, số lượng đại biểu khách mời quốc tế khoảng 500 đại biểu, đến từ 12 nước thành viên, các đối tác, các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu và 300 đại biểu trong nước bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà quản lý khoa học, các tổ chức liên quan…
Đại hội sẽ diễn ra với các hoạt động chính dự kiến là: Hội nghị hội thảo quốc tế để trao đổi, thảo luận, báo cáo về các vấn đề thiết yếu vùng ven biển và các vấn đề quản lý và phát triển bền vững; Diễn đàn Bộ trưởng bàn về định hướng chính sách và khuyến nghị về tăng cường thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á; Cuộc họp quan chức cao cấp Chính phủ với việc xem xét các thỏa thuận và xác nhận tài liệu cuối cùng được thảo luận và thông qua tại Diễn đàn Bộ trưởng; Cuộc họp Hội đồng đối tác biển Đông Á thảo luận các chương trình, chính sách thực hiện chiến lược phát triển vùng bờ biển Đông Á; Diễn đàn mạng lưới chính quyền địa phương với các phiên thảo luận về những đóng góp của địa phương trong việc cải thiện môi trường vùng bờ; Họp báo và tham quan thực địa ...
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, vùng bờ biển Việt Nam có chiều dài 3.260km và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ chứa đựng nhiều kiểu loại hệ sinh thái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như rừng ngập mặn, đầm phá, các vùng cửa sông, bãi triều và các hệ sinh thái đất ngập nước khác; gần 50% các thành phố lớn tập trung ở dải ven biển và 23% dân số sống ở các khu vực đô thị ven biển dễ bị tổn thương trước các rủi ro, các thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bởi vậy, việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á cần phải quản lý tốt việc cung cấp và sử dụng nước, giảm thiểu ô nhiễm và quản lý chất thải; phát triển đô thị và các vùng ven biển; quản lý nguy hiểm do thiên nhiên và con người gây ra; bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi môi trường sống và quản lý nghề cá… Đại hội biển Đông Á 2015 được tổ chức sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các nước trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm, phát triển bền vững môi trường biển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về mặt nội dung cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với PEMSEA trong các hoạt động chuẩn bị Đại hội.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần sớm thành lập ban Chỉ đạo và các tiểu ban chức năng phục vụ Đại hội. Ban chỉ đạo và các tiểu ban thực hiện phải có đầy đủ các thành phần thuộc các bộ, ban, ngành chức năng cần thiết, đảm bảo cho sự thành công của Đại hội.
Trong thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ làm việc cụ thể với Đà Nẵng, địa phương đăng cai Đại hội về những nội dung, hoạt động cụ thể cũng như công tác hậu cần, xây dựng nội dung truyền thông trước thềm Đại hội./.
(ĐCSVN)