438
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 18/11/2014 08:06
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế
Chiều 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn
Phát biểu trước khi phiên chất vấn bắt đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Quốc hội lựa chọn 4 vị Bộ trưởng để chất vấn những vấn đề rất nóng, rất cụ thể nhưng cũng là những vấn đề có tầm chiến lược lớn như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo; xem xét một cách tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ công chức, chính sách cán bộ, tiền lương, vấn đề lao động, việc làm, giảm nghèo, giải quyết an sinh xã hội.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng phiên chất vấn này, Quốc hội sẽ cùng thảo luận, cùng tìm ra giải pháp, thấy điểm yếu, tìm biện pháp khắc phục để thống nhất hành động cùng một hướng và quyết tâm phấn đấu, nâng cao chất lượng tái cơ cấu kinh tế, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2015, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các vị Bộ trưởng nói thẳng, nói sâu, nói trúng… kể cả hỏi và đáp phải hết sức ngắn gọn, tránh những từ ngữ xúc phạm tới người này, người khác, tạo nên những căng thẳng không cần thiết.



Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều ý kiến chất vấn, tập trung vào giải pháp cho công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường, phát triển công nghiệp chế tạo, sản xuất và chế biến máy móc nông nghiệp, chống hàng giả, buôn lậu, thủy điện và chất lượng xăng dầu…

 

Phiên chất vấn mở đầu bằng một loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến trách nhiệm của ngành công thương mà đứng đầu là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên Huế) chất vấn: Năm 2007, Bộ Công nghiệp có quyết định 34, trong đó xác định vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phát phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng sau nhiều năm, công nghiệp hỗ trợ, đến nay, chưa có gì đáng kể. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có phải ViệtNamthiếu chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ? Nếu đúng vậy, trách nhiệm của các bộ ngành và trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng?

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, đúng là thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ có nhiều vấn đề. Tuy đã có chế độ chính sách nhưng chưa đầy đủ và cấp độ pháp lý còn hạn chế nên chưa tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích thêm: Công nghiệp hỗ trợ liên quan đến sản xuất phụ tùng đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới là thép, chất dẻo mà chúng ta hầu như chưa có và phải nhập, nên khó cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài. Còn nguyên nhân nữa là con người, công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nhân lực cao mà chúng ta đang thiếu đội ngũ này, mặc dù chúng ta đã rất cố gắng...



Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) về tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp chế tạo trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, nhưng riêng từng lĩnh vực thì có kết quả khác nhau. Về tỷ lệ nội địa hóa ô tô chở khách 80 chỗ đã được khoảng 40%; xe tải nông dụng chuyên dùng nội địa hóa được 70%, riêng đối với ô tô con, tỷ lệ nội địa thấp chỉ khoảng 10%; xe máy được trên 90% cả động cơ; điện tử gia dụng khoảng 30%.

 

Về vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp phụ trợ, bên cạnh đó, đề xuất Quốc hội thông qua luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp phụ trợ. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ một số giải pháp khác gồm: Có quỹ tăng cường hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia công nghiệp phụ trợ gồm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vay để mua công nghệ, mở rộng sản xuất; kiến nghị thành lập trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp gồm các phòng thí nghiệm, kiểm định, thiết kế tạo khuôn mẫu phi lợi nhuận; đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp hỗ trợ trong tiếp cận thị trường, đào tạo công nhân, cán bộ; đối với các dự án ODA, có thể dành tỷ lệ nhất định cho doanh nghiệp hỗ trợ.

 

Về vấn đề tạo điều kiện khuyến khích cho các doanh nghiệp chế tạo trong nước, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu thực tế và chất vấn: Trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0 tại 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, trong khi đó, những dự án do Việt Nam làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hóa đạt 20%. Xin Bộ trưởng cho biết tại sao như vậy và có phải do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của Bộ hay không và giải pháp khắc phục là gì?

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Các nhà máy nhiệt điện lớn của chúng ta đang xây dựng phần lớn sử dụng hình thức nhà thầu: thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công và bàn giao vận hành (EPC). Trong tổng thầu loại này, phần lớn máy móc liên quan đến thiết bị do nhà tổng thầu đảm nhận. Bộ trưởng thừa nhận phần lớn trong số máy móc, thiết bị này, doanh nghiệp trong nước làm được, nhưng thực tế sự tham gia thời gian qua của doanh nghiệp ViệtNamrất ít. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia được vào các công trình công nghiệp, tạo điều kiện giải quyết thu nhập, việc làm cho công nhân và từng bước góp phần cho doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng chế tạo, trong không ít văn bản, Chính phủ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu những dự án này cần tách bạch những gói thầu mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được khỏi gói thầu do nhà đầu tư nước ngoài đảm nhận. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Rất tiếc, có chủ trương rõ ràng như vậy nhưng khá nhiều trường hợp, do nhiều lý do các chủ đầu tư không tách được các gói thầu này ra. Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ thường xuyên ban hành danh mục thiết bị máy móc mà ta sản xuất được để khuyến cáo chủ đầu tư sử dụng máy móc này, nhưng thực tế hiệu quả chưa cao...

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) về những vấn đề liên quan đến các mặt hàng chúng ta sản xuất được nhưng vẫn bị lấn át bởi hàng hóa nhập lậu, hàng giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, các lực lương chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Cá nhân Bộ trưởng nhận trách nhiệm về hạn chế này, mặc dù ngành quản lý thị trường đã cố gắng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do dung lượng thị trường của ta phát triển ngày càng mạnh, độ mở rất lớn, giao thương hàng hóa tỷ lệ ngày càng tăng. Một số phần tử làm ăn không chính đáng trong nước móc nối với nước ngoài lợi dụng sơ hở đưa hàng giả, kém chất lượng vào tiêu thụ trong thị trường nội địa. Mặc dù ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường có nhiều cố gắng, các lực lượng khác cũng hết sức nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao,  tình hình vẫn diễn biến phức tạp...

 

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn. Tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng./.

 

ĐCSVN