Văn hóa - Văn nghệ

Cập nhật lúc : 08:06 10/12/2021

Phú Quang - một tâm hồn nghệ thuật dành trọn vẹn tình yêu cho Hà Nội

Với sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang, khán giả đã vĩnh viễn mất đi một nhạc sĩ tài hoa, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông, trong đó có những bản tình ca lãng mạn về Hà Nội và tên tuổi của ông sẽ mãi được yêu mến.


Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ. Nhạc sĩ từng kể rằng, khi ông sinh ra, cả gia đình rời Hà Nội tản cư lên Phú Thọ theo kháng chiến. Năm 1954, cả gia đình ông lại trở về Hà Nội. Cha, mẹ, anh trai là những người đã nhen nhóm và thổi bùng tình yêu âm nhạc trong ông. Ông từng học trung cấp kèn corno, làm nhạc công kèn corno trong nhiều dàn nhạc. Nhưng năm 23 tuổi, ông bị tai nạn, khâu 13 mũi ở môi nên phải từ giã nghề kèn và chọn con đường sáng tác…

Sáng tác đầu tay của ông là bản Ballad Niềm Tin viết cho violoncello và piano vào năm 1967. Cũng trong năm 1967, ông tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội và công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam cho đến năm 1978. Từ năm 1978 đến năm 1982, ông học tập và tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc và sau đó làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nhạc sĩ Phú Quang (Ảnh: nld.com.vn)

Nói về tình yêu Hà Nội của mình, cố nhạc sĩ từng chia sẻ: “Tôi yêu Hà Nội vì hai điều. Thứ nhất, Hà Nội là quê hương tôi. Tôi là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, tôi cũng thiên vị với Hà Nội. Thứ nữa, tôi là một “thổ dân” của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm “phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”.” Thậm chí, nhạc sĩ từng nói: "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác".

Ông sáng tác khoảng hơn 600 tác phẩm, nhiều thể loại, nhưng nổi bật nhất là các ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là một tượng đài bất hủ với những bài hát rung động, thổn thức nhất về mảnh đất này. Có thể kể ra những ca khúc nổi tiếng, được yêu mến và thể hiện rõ chân dung âm nhạc của Phú Quang như: “Em ơi! Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Về lại phố xưa”, “Khúc mưa”, “Khúc mùa thu”, “Tình khúc 24”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”…

Ông đưa phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, heo may, góc phố quen... vào nhạc của mình, từ đó vẽ nên một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn nên thơ. Nhạc sĩ nói dù đi đâu ông cũng mang theo Hà Nội trong lòng. Hà Nội của ông không có xe cộ tấp nập, kẻ bán người mua mà tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ. Mảnh đất ấy ghi dấu những mối tình đã qua nhưng khó phai mờ ở từng góc phố, quán quen, con đường...

Nhạc sĩ Phú Quang có một quãng thời gian dài xa Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc (từ năm 1986 đến 2008). Những năm tháng đó ông kể rằng, người ở phương Nam nhưng tâm hồn luôn hướng về Hà Nội, đau đáu, nhớ thương. Chính vì vậy, ông viết nhiều ca khúc thể hiện đúng tâm trạng của những người yêu và nhớ thương Hà Nội đến thế.

Nhưng, những ca khúc vẫn chưa đủ. Năm 2008, ông trở về Thủ đô để sống và gắn bó, xây dựng nên những chương trình âm nhạc trở thành thương hiệu của Hà Nội. Mỗi năm, nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đều đặn 2 chương trình, một vào tháng 3 dành tặng phụ nữ và một vào tháng 10 - thời điểm “Hà Nội đẹp mơ màng và kiêu kỳ” (như lời của ông).

Trong âm nhạc ông là một người kỹ tính, Phú Quang không chấp nhận ca sĩ hát sai lời hay sửa nốt của ông. Ông từng chia sẻ "Nhạc của tôi không vặn vẹo, uốn nắn được, cứ một là một, hai là hai. Tính tôi cứng nhắc ở chuyện đó. Khi viết, tôi đã phải trăn trở rất nhiều để có được nốt nhạc ấy, thêm một số nốt khác để phiêu linh cũng không được, thậm chí nếu biến báo thì dù là thiên tài cũng làm hỏng nhạc của tôi. Thầy giáo dạy toán chính xác thế nào thì các bạn cứ hát nhạc của tôi y như vậy".

Ông không đồng ý ca sĩ mặc hở hang khi hát nhạc của mình, ông nói: "Tôi không thích ca sĩ mặc hở hang vì người ta sẽ không nghe nhạc của tôi mà chỉ nhìn chỗ hở hang của các bạn. Tôi chỉ muốn ca sĩ mặc thật nghiêm chỉnh. Hơn nữa, nhạc của tôi cũng không có gì gọi là khêu gợi cả. Tôi chỉ yêu cầu các ca sĩ hát giản dị, nếu cố diễn thì sẽ thất bại".

Suốt 4 thập niên hoạt động nghệ thuật, ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet, các bản giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Âm nhạc của ông cũng góp phần vào sự thành công của nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam: “Bao giờ cho đến tháng Mười” (Đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh), “Ai xuôi vạn lý” (Đạo diễn: Lê Hoàng),...

Sau 2 năm chống chọi các biến chứng của bệnh tiểu đường, nhạc sĩ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Việt Xô ở tuổi 72. Khán giả đã vĩnh viễn mất đi một nhạc sĩ tài hoa, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông, trong đó có những bản tình ca lãng mạn về Hà Nội và tên tuổi của ông sẽ mãi được yêu mến./.

Theo dangcongsan.vn

 

Tin bài liên quan