Văn hóa - Văn nghệ

Cập nhật lúc : 08:00 26/04/2017

Mộng mơ tà áo dài xứ Huế

Trình diễn áo dài tại Festival Huế năm 2016. Ảnh: CHÍ TOÀN

Trong muôn vàn nét đẹp của cố đô Huế, không thể không nhắc đến tà áo dài truyền thống của người phụ nữ. Đó là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao thi nhân, nghệ sĩ và là món quà lưu niệm đậm đà bản sắc. Trải qua nhiều thăng trầm, tà áo dài xứ Huế vẫn mang trong mình những giá trị riêng có và cả những câu chuyện về văn hóa của vùng đất cố đô. Tất cả sẽ được các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân khắc họa trong Lễ hội áo dài Huế vào tối 30-4 tới, với chủ đề “Hội họa Huế trong tà áo dài” diễn ra tại cầu Trường Tiền (TP Huế).


Hành trình của tà áo dài Huế

Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/ Lối em đi về, trời không có mây/ Đường đi suốt mùa, nắng lên thắp đầy, bóng dáng áo dài thấp thoáng trong những giai điệu, lời ca bài Hạ trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã có nhiều năm tháng sống trong căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế. Thuở ấy, người nghệ sĩ đem lòng yêu mến một nữ sinh vẫn hằng ngày đi về qua căn gác của ông. Vì vậy hình ảnh tà áo dài Huế cứ trở đi trở lại trong những ca khúc của nhạc Trịnh như một niềm thương mến khôn nguôi; cũng vì thế mà nhiều người sau này đến Huế thường hay thả bộ trên đường phố “phiêu” trong nhạc Trịnh và dõi mắt tìm những tà áo dài thướt tha dưới đường phượng bay mù không lối vào…

Áo dài là trang phục mà người Việt Nam từ lâu đã luôn coi là quốc phục trong tâm thức, dù chưa có một văn bản chính thức nào quy định. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử ra đời của chiếc áo dài bắt nguồn từ năm 1744 sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chính vì thế chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài đàng trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó, và ai cũng có ít nhất ba bộ áo dài cho riêng mình. Thói quen này được duy trì đến tận hôm nay. Ở Huế, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tà áo dài trên phố, khi thì bảng lảng mơ mộng, lúc lại hồn nhiên gắn với hình bóng những thiếu nữ tung tăng nhịp bước làm rộn ràng một góc phố. Có khi ở giữa khu chợ Đông Ba nhộn nhịp, thấp thoáng tà áo dài của các chị, các mẹ đang gánh gồng hàng đi cho kịp buổi chợ sáng. Tà áo cứ đung đưa theo nhịp quang gánh mải miết, tảo tần…

Mầu tím không phải là mầu riêng của Huế, nhưng không hiểu sao cứ phải đến Huế mới thấy mầu tím đúng là tím nhất qua tà áo dài. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng từng lý giải rằng: Ở Huế phảng phất màu của kinh thành, của sự uy nghiêm, cho nên dường như điều này ảnh hưởng đến tính cách cũng như trang phục của cư dân nơi đây. Mầu tím chính là mầu được người Huế ưa thích cũng bởi câu ví “Lầu son, gác tía”. Tía chính là mầu tím. Mầu của bậc vương giả tôn quý. Mầu tím áo dài Huế chứa đựng trong ấy niềm sâu kín khiến người khác phải khám phá, phải ngẩn ngơ. Những tà áo tím của những cô gái Đồng Khánh một thời, đã trở thành nỗi ám ảnh dịu dàng và đi vào thơ ca, nhạc họa của các thế hệ nghệ sĩ xưa và nay.

Khi áo dài thành sản phẩm du lịch

Ngày nay, áo dài Huế không chỉ là một trang phục thuần túy mà đã trở thành biểu tượng đặc trưng, một sản phẩm du lịch của cố đô. Áo dài lấy nhanh trở thành món quà không thể thiếu của chị em phụ nữ khi đến thăm Huế. Còn những du khách nước ngoài yêu thích dịch vụ này thường gọi đó là áo dài “short-time”. Những cửa hàng áo dài dọc các con đường như Mai Thúc Loan, Bến Nghé, Nguyễn Sinh Cung… quanh năm tấp nập khách. Nếu chỉ ghé qua Huế một ngày, thậm chí nửa ngày và muốn sở hữu một chiếc áo dài mang đậm phong cách Huế thì hãy ghé những cửa hàng may áo dài trong Đại Nội và lựa chọn dịch vụ may áo dài nhanh chỉ trong vòng ba, bốn giờ đồng hồ. Cách may áo dài ở Huế vì thế cũng khác so với nhiều nơi. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng áo dài Thảo Trang trên đường Quốc Sử (cạnh Đại Nội) cho biết: Áo dài là sản phẩm làm đẹp của chị em, nó phải khiến người mặc duyên dáng, thanh tao mà sang trọng. Chính vì thế không phải ai cũng dễ dàng hành nghề cắt may chuyên áo dài. Nghề may chuyên kén người có tâm, khéo léo và thành thục kỹ thuật. Khác với cách may áo dài ở nhiều vùng khác, người thợ may áo dài Huế thường rất chú trọng đến các đường viền tà. Họ cầu kỳ rút từng sợi vải từ mảnh vải may chiếc áo đó làm chỉ và khâu tay các mép viền quanh tà áo. Có lẽ vì thế mà khi mặc lên người, tà áo rất bay, không lộ chỉ và đường may.

Một tiệm may áo dài nhanh tại thành phố Huế. Ảnh: MỸ HẠNH

Chị Thảo cùng em gái là Nguyễn Thị Trang bắt đầu mở tiệm may áo dài từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Lúc đầu cũng chỉ là đáp ứng nhu cầu may đồ cho chị em trong ngõ phố. Rồi khi Huế dần trở thành một trung tâm du lịch lớn và du khách trong nước và ngoài nước đến nhiều, người nọ rỉ tai người kia, thế là tiệm áo dài của chị Thảo cũng dần đông khách. Mỗi mùa Festival Huế, có ngày tiệm nhận hàng trăm đơn hàng, trong đó phân nửa là đặt may lấy ngay. Thợ may của tiệm có hàng chục người làm việc hết công suất thâu đêm, suốt sáng mới đủ đáp ứng. Chị cho biết: Nhiều người vẫn chọn kiểu áo dài truyền thống với một chút cách tân cho trẻ. Có thể là ở chi tiết thiết kế của cổ áo, tay áo, tà áo nhằm làm cho chiếc áo dài lạ mắt và ấn tượng hơn. Cổ vuông thấp, cổ tàu truyền thống, tay loe của áo dài vẫn được ưa chuộng hơn cả. Tùy vào vóc dáng người mặc mà chị sẽ tư vấn cho mỗi người lựa chọn kiểu thích hợp và thời trang. Các nhà may áo dài ở Huế hiện nhận may theo số đo cho khách khắp trong nam ngoài bắc, thậm chí cả ở nước ngoài. Khách ở xa không thể đến tận nơi nhận áo, đa phần các nhà may thường gửi tận tay trong vài ngày sau khi đặt.

Nằm trên đường Nguyễn Sinh Cung là nhà may Minh Tân cũng khá nổi tiếng. Đây là nơi nhiều du khách quốc tế lựa chọn, trong đó du khách Pháp và Nhật Bản hay may áo dài lấy nhanh. Tiền công của một chiếc áo dài may nhanh chỉ cao hơn may thường từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng. Tư vấn khéo léo và phục vụ nhiệt tình là những điểm mạnh khiến áo dài “short-time” Huế ngày càng phát triển, nhất là vào mùa du lịch. Tiệm Minh Tân ra đời từ năm 1955 và hiện nay anh Nguyễn Quốc Hòa là thế hệ thứ hai nối nghiệp gia đình. Anh Hòa bảo: Dù có rất nhiều khách nhưng tiệm không bao giờ nhận quá số lượng cho phép là 30 bộ/ngày. Áo dài quan trọng nhất là tà áo phải mềm mại, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ.

Để phục vụ nhu cầu khách hàng và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện thành công nhiều dự án hỗ trợ dạy nghề thiết kế may đo áo dài truyền thống và cách tân, với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nghề may áo dài xứ Huế. Nhờ các khóa đào tạo như vậy, học viên không chỉ nắm vững kỹ thuật cắt may, mà còn được trang bị những kiến thức văn hóa, lịch sử, tiếp cận các quy tắc mỹ học để luôn giữ được bản sắc, tinh hoa của tà áo dài Huế. Và sắp tới đây, trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5 tại TP Huế, tà áo dài cùng nghề may áo dài sẽ trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng, mang tới nhân dân và du khách một không gian thời trang và văn hóa, truyền thống và hiện đại, mang đậm chất Huế.

Cùng với đền đài, lăng tẩm hay những câu chuyện lịch sử, xứ Huế mộng mơ không thể thiếu đi nét dịu dàng e ấp của người con gái Huế trong tà áo dài. Áo dài cũng là một sản phẩm du lịch mà Huế đã và đang xây dựng khá thành công. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, cũng như góp phần bảo tồn một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.

 

http://www.nhandan.com.vn

Tin bài liên quan