Văn hóa - Văn nghệ

Cập nhật lúc : 07:57 27/06/2019

LỄ TẾ ÂM HỒN 2019

Sáng ngày 26/6 (nhằm ngày 24/5 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Âm Hồn năm 2019, tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố Thất thủ Kinh đô năm 1885.


Ngày 23 tháng 5 âm lịch (05.7.1885) từ đó về sau đã biến thành ngày giỗ lớn, ngày "quầy cơm chung" hàng năm của cả thành phố Huế. Họ cúng cho tất cả những người tử nạn: quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy, do nhiều nguyên do: hoặc đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn Pháp hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sẩy chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong thành…
Đàn Âm Hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái, là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế.

Ðặc biệt, trong lễ cúng 23 tháng 5 này, từ gia đình cho đến tập thể phải có một bình nước lớn và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người ta tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông, suối trong rạng ngày 23 tháng 5.

Việc tổ chức Lễ tế Âm Hồn không chỉ thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân, mà còn là dịp nhắc nhở mọi người dân về một bài học lịch sử của quê hương, dịp để tưởng nhớ sự kiện thất thủ Kinh đô, khi hàng nghìn người, từ người già, trẻ em, binh lính… bị chết khi thực dân Pháp xâm lược.

 

CTH

Tin bài liên quan