Văn hóa - Văn nghệ

Cập nhật lúc : 09:27 17/05/2019

LỄ HỘI TẠ ƠN RỪNG - TẠ ƠN GIÀNG XỨ

Nhằm khôi phục lễ hội truyền thống và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững, sáng ngày 14/5/2019, UBND xã Hương Nguyên phối hợp cùng Huyện Đoàn A Lưới tổ chức Lễ hội tạ ơn Giàng Xứ 2019.


Đây là hoạt động nhằm khôi phục lễ hội truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu. Từ xa xưa, người dân Hương Nguyên có nét đẹp văn hóa giữ rừng thể hiện qua những quy ước trong cuộc sống thường nhật và lễ hội. Thế nhưng, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, nét đẹp văn hóa về lễ hội đã nhiều năm nay đang dần mai một, chỉ còn lớp già làng, những người uy tín ở thôn làng mới biết rõ được nghi thức tổ chức trọn vẹn mà nếu như không có sự kế thừa của thế hệ trẻ thì sẽ có nguy cơ bị quên lãng.

Lễ hội Tạ ơn Giàng Xứ chính là nơi thể hiện phần hồn của người Cơ Tu, đặc biệt là  khi cất tiếng hát qua các làn điệu cha chấp, ba bocooc. Những làn điệu dân ca, dân vũ đã nuôi dưỡng tinh thần bao con người Hương Nguyên thân thiện, hồn hậu. Trong lễ hội tạ ơn Giàng Xứ, cùng với nghi thức dựng cây nêu - một biểu tượng thiêng liêng …. thì Hiến tạ vật phẩm nông sản, đặc biệt là thịt trâu là nghi thức không thể thiếu, quan trọng trong nghi thức dân gian của đồng bào Cơ Tu với tâm niệm điều may mắn sẽ đến với người dân sau nghi lễ này.

Trong nghi thức hiến tạ, người dân múa điệu Tân Tung za zá bên nhau quanh cây nêu trong suốt quá trình làm lễ, múa hát và quây quần bên nhau trò chuyện để gắn thêm tình đoàn  kết. Đây là giây phút thể hiện được tinh thần cộng đồng, sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên rõ nét nhất. Điệu múa Tân tung za zá là nghệ thuật diễn xướng đặc sắc của người Cơ Tu, kết nối giữa thực tại với thế giới tổ tiên và các vị thần linh với cách thể hiện nhộn nhịp, mạnh mẽ và hùng dũng mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ Tu. Sau nghi thức Hiến tế trâu, là phần tạ ơn ngọn đồi ABar, ngọn đồi thiêng nhất của xã Hương Nguyên.

Sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu ở miền núi luôn gắn bó mật thiết với rừng. Vì thế, trong những trò chơi dân gian mà họ còn lưu giữ luôn thể hiện được sự khéo léo, nhanh nhẹn như con sóc và khỏe mạnh như con hổ trong rừng. Và, để những trò chơi dân gian của người Cơ Tu trường tồn mãi theo thời gian, vai trò của các già làng, trưởng bản là hết sức quan trọng. Chính họ đã đứng ra tổ chức, khôi phục và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ ngày nay. Vì thế, tại Lễ hội Tạ ơn Giàng Xứ, các trò chơi dân gian đã được tổ chức sôi động như Đi cà kheo nhằm mục đích rèn luyện cho các thanh niên sự dẻo dai, tinh tế, nhanh nhẹn và sự chính xác cao độ. Đó cũng được coi là những bản lĩnh cần có của mỗi người thanh niên Cơ Tu trong cuộc sống nương rẫy hằng ngày; trèo cột mỡ thể hiện sự mạnh mẽ của người đàn ông với những cọc tre cao 5m chính là thách thức bản lĩnh của đàn ông Cơ Tu; kéo co mang đậm tính cộng đồng thu hút cả nam và nữ tham gia…

CTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin bài liên quan