Văn hóa - Văn nghệ

Cập nhật lúc : 07:51 26/11/2015

Giới thiệu hình ảnh, hiện vật về ca Huế và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bảo tồn cổ tích tại Việt Nam và 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, sáng 22-11, Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức triển lãm những hình ảnh, hiện vật về ca Huế và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.


Tại triển lãm, ngoài hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế đã trưng bày và giới thiệu đến công chúng, những người quan tâm cùng du khách trong và ngoài nước gần 70 hình ảnh, các hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của ca Huế, như: "Dàn nhạc cổ điển Huế, Ca Huế thế kỷ thứ XX", "Ban ca Huế Hương Bình", "Ban nhạc ca Huế xưa", các nhạc cụ được biểu diễn cùng sách vở, tư liệu về ca Huế; đồng thời, giới thiệu những hình ảnh chân dung các nghệ nhân đã suất đời cống hiến cho ca Huế và Nhã nhạc cung đình như nghệ nhân Trần Kích, nghệ nhân Trần Hữu, nghệ nhân Lữ Hữu Thi, nghệ nhân Minh Mẫn...

Bên cạnh ca Huế, Ban tổ chức cũng giới thiệu đến công chúng Bộ sưu tập "Đồ sứ ký kiểu" với gần 70 hiện vật các đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng. Phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, được triều đình, quan lại đương thời đặt hàng ở nước ngoài với mẫu mã, kiểu dáng, họa tiết, cảnh trí được thiết kế dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bộ Công triều đình nhà Nguyễn. Đó là những hiện vật đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, thời các chúa Nguyễn và thời các vua Nguyễn. Đây là những hiện vật cao cấp, rất quý hiếm, do Hoàng triều và các quan lại đặt các lò sứ cao cấp Trung Quốc làm theo mẫu mã của các nghệ nhân người Việt. Triển lãm còn giới thiệu một số hiện vật đồ sứ do triều Nguyễn đặt làm ở châu Âu như Anh, Pháp…Đặc biệt tại triển lãm lần này, lần đầu tiên nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng cho ra mắt một số hiện vật quý tô sứ “Thuận Hóa vãn thị”, thời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt làm ở Trung Quốc. Chiếc tô này có in bài thơ Thuận Hóa vãn thị do chúa Nguyễn Phúc Chu tả cảnh một khu chợ chiều ở khu vực Huế đương thời chừng 300 năm trước. Kế đến là chiếc đĩa “Ngự y chính ký”, in bài thơ Nôm, do thời chúa Nguyễn đặt làm vào cuối thế kỷ 18. Hiện vật này duy nhất hiện có tại Việt Nam.

Cũng trong sáng 22/11, nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn đã có buổi thuyết trình về“Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu Việt Nam”, buổi thuyết trình đã thu hút đông đảo thính giả ở Huế. Tại đây, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã giải thích những khái niệm, cách nhận biết và giá trị của Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, ông cho cho rằng, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đã góp phần quan trọng làm hiểu rõ hơn về văn hóa Huế giai đoạn các chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Đồ sứ ký kiểu chính là những hiện vật gốc mà thông qua đó, dùng để đối chiếu lại những tư liệu lịch sử khác để giải mã một số vấn đề lịch sử. Đặc biệt, những chữ viết trên đồ sứ ký kiểu có thể trở thành những chứng cứ cần thiết để bổ sung vào hệ thống văn học xứ Đàng Trong trong lịch sử.

www.thuathienhue.gov.vn

Tin bài liên quan