Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 11:14 12/04/2018

Vấn đề quản lý báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội

Thời gian qua, vấn đề quản lý hoạt động báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác chỉ đạo, quản lý được điều chỉnh theo hướng cởi mở và phù hợp với đời sống thực tiễn báo chí truyền thông. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông số, vấn đề này đang gặp không ít khó khăn và thách thức.


Vai trò của cơ quan chủ quản

Nghiên cứu tại các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, vai trò quản lý báo chícủa các cơ quan chủ quản đã từng bước được chú trọng, thể hiện ở việc chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc sâu sát để các cơ quan báo chí luôn bám sát, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra.

Các cơ quan chủ quản báo chí đã chủ động xây dựng cơ chế quản lý cơ quan báo chí thuộc quyền, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định, thống nhất trong chỉ đạo, quản lý và trong công tác phối hợp của các cơ quan báo chí với các đơn vị liên quan thuộc các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động quản lý báo chí ở các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể: Chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo về chính sách, chủ trương cho hoạt động báo chí chưa thực sự sâu sát, đặc biệt là trong môi trường truyền thông số với sự thay đổi mạnh mẽ, khác biệt về phương thức truyền thông, đối tượng công chúng... Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí chưa đầy đủ, đôi khi chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin đôi lúc còn chưa chủ động, chạy theo sự vụ; Tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách về quản lý báo chí ở một số nơi vẫn còn thiếu và yếu nên rất khó nắm bắt tình hình và đề xuất hướng xử lý, giải quyết công việc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho các phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức.

Một số vấn đề đặt ra

Những năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, ở phương diện các cơ quan chủ quản, công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều hành hoạt động báo chí còn rất hạn chế, nhất là các văn bản vận dụng thể chế hóa một số nội dung của các Chỉ thị, Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực báo chí sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Môi trường truyền thông số kéo theo nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt về nội dung, phương thức hoạt động của báo chí.

Trong xu thế báo chí phát triển mạnh mẽ trên môi trường Internet, hầu hết các cơ quan báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội đều xây dựng báo điện tử. Báo Lao Động, Tiền Phong đã ưu tiên phát triển theo xu hướng hội tụ. Sự phát triển đa dạng đó khiến công tác quản lý nội dung theo lối cũ không còn phù hợp, đòi hỏi công tác này phải có sự đổi mới, đáp ứng sự phát triển của các loại hình báo chí hiện nay. Mặt khác, môi trường truyền thông số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ: thương mại hóa hoạt động báo chí, xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo, vấn đề vi phạm đạo đức người làm báo...

Trong môi trường truyền thông hiện nay, việc hình thành một cơ chế quản lý mới, phù hợp đối với hoạt động báo chí là một trong những yêu cầu mang tính quyết định đối với sự phát triển của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trong thực tế bộ máy quản lý báo chí nói chung, quản lý báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng việc phân định trách nhiệm và quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm chưa được rõ ràng, phong cách làm việc nặng về hình thức giấy tờ, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo còn chậm, việc tuyển dụng cán bộ chưa chú trọng vào yêu cầu của vị trí của công việc... Đây chính là nguyên nhân khiến hiệu lực quản lý báo chí của cơ quan chủ quản đối còn thấp.

Thực tế cho thấy, hoạt động thanh kiểm tra báo chí truyền thông còn kém, số lượng các cuộc thanh kiểm tra còn ít so với đời sống thực tiễn vô cùng sinh động hiện nay. Điều này dẫn đến tình trạng có những vi phạm không được phát hiện, thậm chí khi phát hiện sai phạm chỉ làm chiếu lệ, chưa nghiêm minh. Chính vì sự thiếu kiên quyết trong xử lý các vi phạm, cùng với việc bỏ qua kiểm tra nhiều quy định trong một số hoạt động của các cơ quan báo chí nên một số cơ quan báo chí vẫn chưa nhận thức được việc làm sai trái của cơ quan, đơn vị mình và vẫn tiếp tục vi phạm.

Cần những giải pháp đột phá

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan lãnh đạo quản lý hoạt động báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo. Để tăng cường nhận thức về trách nhiệm, năng lực của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí, cần chú ý bố trí những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm vào các vị trí quan trọng.

Đề cao quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, nhất là trong công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và việc xử lý cán bộ sai phạm...

Chỉ khi cơ quan quản lý báo chí nâng cao được ý thức trách nhiệm, năng lực, mới có thể chủ động trong việc hướng dẫn công tác tuyên truyền theo sát sự chỉ đạo về báo chí, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm đối với lợi ích đất nước, cộng đồng xã hội; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin chính thống, đảm bảo tính thuyết phục, tránh áp đặt, mệnh lệnh.

Đối với nhóm nhân lực trực tiếp quản lý, trước hết cần quy định hệ thống tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác chuyên môn của từng đối tượng. Mặt khác, cần có những quy định cụ thể về tuyển dụng cán bộ, sắp xếp và bố trí cán bộ; Phải có chính sách đào tạo và đào tạo lại những người quản lý báo chí để theo kịp tốc độ phát triển chung của xã hội và không tụt hậu quá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần thay đổi nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, từ đó phối hợp chặt chẽ giúp cơ quan chủ quản thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc triển khai và thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí ở cơ quan, đơn vị mình.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý, đổi mới phương thức quản lý báo chí của cơ quan chủ quản. Trong thực tế, việc tổ chức thực thi pháp luật báo chí của các cơ quan Nhà nước vẫn còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất. Vì vậy, cần bổ sung các quy định nhằm cải tiến phương thức, lề lối làm việc, cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan trong quản lý Nhà nước về báo chí. Cần xác định rõ các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về báo chí.

Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Trong kỷ nguyên truyền thông số, nghiệp vụ báo chí truyền thông có những thay đổi căn bản, dẫn đến sự thay đổi trong phương thức quản lý hoạt động báo chí. Do vậy, để công tác quản lý báo chí thực sự có hiệu quả, phương thức quản lý cần được nghiên cứu nghiêm túc và xây dựng thành những quy định đảm bảo khoa học.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về báo chí, nâng cao nhận thức về pháp luật báo chí. Để thực hiện có hiệu quả, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về báo chí với nhiều hình thức và nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài việc nâng cao ý thức pháp luật báo chí của các cá nhân, tổ chức thuộc khối các cơ quan Đảng, Nhà nước cần chú ý nâng cao ý thức pháp luật về báo chí cho toàn thể người dân trong xã hội để người dân tự giác và tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện pháp luật báo chí, bảo đảm các chủ thể biết cách sử dụng đúng đắn phương tiện pháp luật trong hoạt động của mình...

Thứ tư, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Đây là một phương thức để cơ quan quản lý Nhà nước xác định việc chấp hành quy định pháp luật báo chí của cá nhân, cơ quan, tổ chức, qua đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ mà các các cơ quan quản lý báo chí ở các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chưa hiệu quả, chưa nghiêm, còn có biểu hiện bao che, nể nang trong việc xử lý những sai phạm (phần lớn chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở). Vì vậy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của cơ quan chủ quản là một biện pháp rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay./.

Tạp chí Người Làm Báo

Tin bài liên quan