Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 09:56 19/09/2018

Vài vấn đề về kỹ năng viết tin, bài, phóng sự trong công tác xây dựng Đảng

Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với vai trò là công cụ tư tưởng, văn hóa của Đảng, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong tình hình hiện nay”. Báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị để đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, việc trau dồi kỹ năng viết về xây dựng Đảng đối với mỗi phóng viên, nhà báo là điều hết sức cần thiết.


Trong 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã 5 lần ra cương lĩnh và văn kiện có tính chất cương lĩnh, sau mỗi lần đại hội, con đường đi lên CNXH càng rõ hơn. Cũng từ thực tiễn lãnh đạo, với tinh thần của một Đảng “mạnh dạn, tiến bộ, chân chính”, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong cuốn sách "Đường kách mệnh": “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người cũng thường nhắc quan điểm của Lênin: Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng…Với tinh thần “Đảng cũng là người”, cũng đã có lúc sai lầm chính vì vậy xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, đất nước. Xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là điều kiện để giải quyết tốt các mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN”.

Thực tiễn từ tình hình thế giới, trong nước và những nhiệm vụ trọng tâm công tác tổ chức xây dựng Đảng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với thông tin, tuyên truyền phải có hiệu quả, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo mục tiêu mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra là: Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị; đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thường xuyên đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với Nhà nước.

Là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cách mạng cần tích cực tuyên truyền cho công tác xây dựng Đảng, viết về xây dựng Đảng. Tuy nhiên, để viết chính xác, đúng vấn đề và kịp thời về xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay, trước hết người làm báo cần phải nắm vững những nội dung trọng tâm, những vấn đề mới, những giải pháp chính trong công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở khảo sát, nắm chắc tình hình thực tế và yêu cầu tuyên truyền, người làm báo xác định chủ đề phù hợp trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng.

Trước tiên, phải hiểu được xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm; đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị là “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc” để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Một số nội dung trọng tâm của công tác xây dựng đảng trong thời gian đến bao gồm: Tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 những nội dung về công tác xây dựng Đảng; Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Tiếp tục bổ sung, kiện toàn các văn bản, quy định, quy chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; Coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; đẩy mạnh tuyên truyền, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua có những nhà báo chưa thực sự hiểu rõ về lĩnh vực xây dựng Đảng dẫn đến sự mặc định, những bản tin, phóng sự, bài viết nói về sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong phát triển kinh tế, xã hội hoặc văn hóa, giáo dục là nội dung xây dựng Đảng. Ngay cả chuyên mục: “Xây dựng Đảng” của nhiều báo, đài cũng lẫn lộn về lĩnh vực này. Sự nhìn nhận này không phải là sai, nhưng những tác phẩm như vậy chỉ có thể coi là kết quả lãnh đạo của tổ chức Đảng chứ chưa phải tác phẩm phản ánh chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng.

Chính vì vậy, kỹ năng cơ bản của người viết về xây dựng Đảng là hiểu biết rõ về Đảng, hoạt động lãnh đạo của Đảng, cách thức vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta. Nắm vững mười nội dung trọng tâm về công tác xây dựng Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Biết được chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động của các cơ quan Đảng như: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kiểm tra; các mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Duy trì mối quan hệ giữa cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên với các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên. Dành thời gian gặp gỡ và trao đổi với những người am hiểu về lĩnh vực xây dựng đảng, tìm hiểu ảnh hưởng của cấp ủy và tổ chức Đảng tới cộng đồng.

Điều cần thiết đối với người làm báo viết về xây dựng Đảng là phải có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và vốn sống phong phú, kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, nắm bắt được công nghệ làm báo hiện đại. Có trình độ nghiên cứu, tạo cơ sở cho phương pháp hoạt động báo chí một cách khoa học, hiệu quả... Người làm báo còn phải năng động, linh hoạt và say mê thâm nhập cuộc sống để phát hiện, phản ánh những điển hình, những nhân tố mới. Có năng lực phân tích để rút ra những kết luận cần thiết. Không ngừng trau dồi năng lực, nâng cao trình độ, kỹ năng và tăng cường tham khảo ý kiến chuyên môn các chuyên gia, các cán bộ đang công tác chuyên môn trong các cơ quan Đảng, nhà nước về các vấn đề còn băn khoăn, chưa nắm chắc. Nhà báo phải có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại cái xấu, cái ác vì lợi ích của Đảng, của nhân dân vì mục tiêu cuối cùng đó là xây dựng đảng.

Để bản tin, phóng sự, bài viết về xây dựng Đảng không bị khô cứng, khi chọn vấn đề cho tác phẩm, nhà báo cần trau dồi thêm các kỹ năng xác định đề tài mang tính thời sự, bám sát trọng tâm định hướng tuyên truyền, cách tuyên truyền các chỉ thị trên báo chí, nghị quyết của Đảng đến độc giả sao cho hấp dẫn; cách viết tin bài báo điện tử về lĩnh vực xây dựng Đảng sao cho lượng bạn đọc tương xứng với các lĩnh vực khác; cách tiếp cận khai thác thông tin đối với một số vấn đề nhạy cảm, thẩm định thông tin khi viết bài... Cố gắng lựa chọn những cái mới, mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình mới trong công tác xây dựng Đảng. Lượng thông tin thu thập bao giờ cũng phải nhiều hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn lượng thông tin sử dụng trong bài viết để có cơ sở thể hiện bài viết một cách xúc tích, tường tận. Trong quá trình tác nghiệp, phỏng vấn cũng là một trong những yếu tố giúp cho tác phẩm báo chí phong phú, sinh động và hiệu quả hơn. Muốn đạt được mục đích của cuộc phỏng vấn, bản thân phóng viên phải là người định hướng các câu hỏi, biết cách thuyết phục để người được phỏng vấn hợp tác cung cấp thông tin. Tạo không khí vui vẻ, thoải mái cũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho cuộc phỏng vấn.

 Hi vọng rằng, khi hiểu biết rõ về Đảng, thấm nhầm sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và nắm được những kỹ năng viết về xây dựng Đảng sẽ giúp người làm báo viết về xây dựng Đảng không còn cảm thấy khó, khô và khổ như nhiều người quan niệm, ngược lại sẽ cảm thấy viết về xây dựng Đảng là điều vinh dự tự hào vì người làm báo đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng mọi yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Vũ Văn

Tin bài liên quan