Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 14:50 05/03/2015

Sẵn sàng làm thất bại chiến tranh thông tin - tư tưởng của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam

Đại tá Lê Thế Mẫu nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược quốc phòng)

Sau Chiến tranh Lạnh, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn kiên định lựa chọn con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Do đó, trong thời gian qua, các thế lực thù địch đang thực thi cuộc chiến tranh thông tin - tư tưởng để chống phá sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Chúng không ngớt tung ra các quan điểm sai trái tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm tạo ra trạng thái hoang mang, dao động trong xã hội về định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, tung tin bịa đặt về cuộc đời và sự nghiệp của Người; ra sức cổ súy lối sống ích kỷ, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, tuyên truyền về lối sống hoàn toàn xa lạ với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.


Thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trước hết là các trang mạng xã hội trên Internet, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cấu kết với nhau tiến hành tuyên truyền xuyên tạc về chủ trương đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước, chia rẽ Đảng với nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, vu cáo, bôi đen chế độ ta; truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái và thù địch trong xã hội, từng bước thúc đẩy quá trình “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, từ đó chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ và thực hiện mục tiêu “giành chiến thắng không cần chiến tranh”.

Nhận thức rõ âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng ta đã kịp thời có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch. Trong thời kỳ đổi mới, các văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Ngay từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), Đảng ta đã xác định, một trong những nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đại hội Đảng toàn quốc Khóa VIII đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Đại hội IX của Đảng khẳng định, phải đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch. Đại hội X của Đảng đề ra yêu cầu chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Để thực hiện những chủ trương đó, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết và chỉ thị về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng. Đó là, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã nêu lên 6 nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận, trong đó có nhiệm vụ chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”. Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đưa ra nhận định về tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã bộc lộ một số vấn đề tư tưởng ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội cần được khắc phục. Nghị quyết đưa ra nhận định, các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt đối với Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Trên cơ sở nhận định đó, Nghị quyết yêu cầu “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương 94, Ban Chỉ đạo 609 và Ban Chỉ đạo Đề án 213. Các ban chỉ đạo này cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương là đầu mối chỉ đạo cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong từng thời kỳ; cung cấp thông tin, phối hợp các lực lượng từ các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận, các cơ quan tuyên giáo đến các cơ quan quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các cấp ủy đảng, các cơ quan báo chí, xuất bản.

Thông qua các nghị quyết và triển khai thực hiện các nghị quyết đó, cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu được tính đúng đắn, chính nghĩa của các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta, góp phần quan trọng phản bác lại những luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong Đảng và Nhân dân về những âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các hoạt động chống phá của chúng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các thành tựu của công cuộc đổi mới./.

Tin bài liên quan