Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 09:17 30/08/2018

GIỚI THIỆU SÁCH TRẮNG “BẢO VỆ VÀ THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng công bố sách trắng về quyền con người của Việt Nam ngày 18-1-2018

Đầu năm 2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” nhằm giới thiệu tới độc giả và dư luận quốc tế một cách toàn diện nhất về quan điểm, chính sách và những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây là lần thứ hai Bộ Ngoại giao công bố sách trắng về quyền con người (lần đầu tiên vào năm 2005), bao gồm cả phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.


Quyền con người là khát vọng và giá trị chung của nhân loại, ghi dấu thành quả đấu tranh lâu dài của con người qua các thời đại nhằm chế ngự thiên nhiên, chống áp bức, bất công. Cùng với sự phát triển của xã hội, quyền con người đã dần được hình thành và pháp điển hóa trong luật quốc gia của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là qua Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948 và các Công ước quốc tế chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người.

Năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt Nam” cung cấp một bức tranh toàn diện và có hệ thống về luật pháp, thể chế, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người. Từ đó đến nay, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.

Cuốn sách được công bố lần này dày 85 trang (khổ 14,5 x 20,5cm), bao gồm 4 chương; trong đó Chương 1 nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà nước Việt Nam về quyền con người. Chương II ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, bao gồm các quyền về dân sự, chính trị, các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Chương III ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người. Chương IV đề cập tới thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.

Trong sách trắng về quyền con người năm nay, Việt Nam cung cấp các thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu về quyền con người, cũng như thách thức cần vượt qua và những ưu tiên cần thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật về quyền con người trên mọi khía cạnh, trong đó có: Quyền bình đẳng trước pháp luật không bị phân biệt đối xử; Quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; Quyền được bảo vệ bí mật riêng tư; Quyền tự do đi lại, cư trú; Quyền tự do hội họp, lập hội; Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội… Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là minh chứng sinh động về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, không ngừng cải thiện mức sống của người dân, giảm mạnh tỷ lệ nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội, góp phần bảo đảm quyền thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội cũng như việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác.

Sách trắng đặc biệt nhấn mạnh tới thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân Việt Nam. Theo ước tính, có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó có hơn 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau (chiếm khoảng 27% dân số), thuộc 38 tổ chức tôn giáo, tăng gần 7 triệu tín đồ so với năm 2003. Bên cạnh đó, các hoạt động quốc tế của các tôn giáo tại Việt Nam ngày càng mở rộng. Nhà nước còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo Việt Nam tăng cường giao lưu, kết nối với quốc tế. Việt Nam cũng bảo đảm quyền nhóm yếu thế trong xã hội, thể hiện ở chỗ đảm bảo quyền của phụ nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bảo đảm quyền trẻ em, bảo đảm quyền của người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam, bảo đảm quyền của người cao tuổi.

Việc Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2014 với số phiếu ủng hộ cao nhất trong số các nước ứng cử cùng thời điểm đó là minh chứng cho thấy những thành tựu to lớn về nhân quyền của Việt Nam đã được quốc tế công nhận. Với việc tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người…, Việt Nam không những bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Những thành tựu trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người trong thời gian qua thể hiện những nỗ lực không ngừng của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với việc coi con người là mục tiêu, động lực và trọng tâm trong mọi chính sách phát triển của đất nước. Những nỗ lực này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.

Không chỉ nêu những thành quả về nhân quyền, Việt Nam còn công khai quan điểm, nhận thức và cả những việc Việt Nam tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhằm đạt tới thành quả lớn hơn trong việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Đây cũng là điểm mới của Sách trắng lần này. Đó là: (1) Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam; (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; (3) Nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội; (4) Cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này; (5) Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình; (6) Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội được chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần; (7) Tăng cường hợp tác về quyền con người với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu.

Sách trắng về quyền con người năm 2018 khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam về quyền con người. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người./.

Hồng Nga

Tin bài liên quan