Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 07:44 24/04/2017

Cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư và những vấn đề đặt ra cho công tác tuyên truyền

Ảnh minh họa: Ảnh hưởng của công nghệ hiện nay (nguồn: Intenet)

Khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR) lần đầu tiên được đề cập đến trong bản “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao” do Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Đến nay, cuộc cách mạng này đã có những tác động to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần chủ động đổi mới cả về nội dung và phương thức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.


Dự báo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng sẽ tạo sức ép lên các cơ quan quyền lực công. Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới liên tục thay đổi cho phép người dân được tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động hoạch định chính sách; giám sát và phản biện các chủ trương, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chính sách này. Bộ máy hành chính nhà nước, vì vậy buộc phải cải tổ theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn. Các cơ quan công quyền có thể dựa trên hạ tầng công nghệ số để tối ưu hóa hệ thống giám sát và điều hành xã hội theo mô hình “chính phủ điện tử”,” đô thị thông minh”... Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách và pháp luật, cán bộ thuộc khu vực nhà nước cũng phải đổi mới tư duy, trau dồi năng lực; hợp tác chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp và các lực lượng xã hội khác để có thể thích nghi, ứng biến linh hoạt và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với các thay đổi.

Từ thực tiễn ở Việt Nam trong những năm gần đây, có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà đặc biệt là các làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hầu hết các lĩnh vực. Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, tội phạm sử dụng công nghệ cao làm phương tiện hoạt động gia tăng nhanh chóng, ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý là có sự móc nối, liên kết giữa các tổ chức tội phạm trong nước với các tổ chức tội phạm ở nước ngoài, tạo thành những đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tinh vi; không ngừng tấn công, phá hoại, lây nhiễm virus, phầm mềm gián điệp, mã tin học độc hại... nhằm vào hệ thống mạng của cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Nhà nước với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng, làm rối loạn hoạt động của hệ thống và lộ lọt thông tin. 

Không những thế, trên lĩnh vực an ninh quốc gia, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phản động quốc tế sử dụng công nghệ cao ngày một gia tăng. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên tục thành lập các kênh Youtube, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo… để vận động lôi kéo tham gia những tổ chức phản động và kích động người dân; sử dụng các trang thông tin điện tử có máy chủ đặt tại nước ngoài để bịa đặt, xuyên tạc, kêu gọi biểu tình, chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đáng báo động là tình trạng liên kết để thực hiện hành vi phạm tội các đối tượng tội phạm chống phá nhà nước bằng các công nghệ viễn thông và truyền thông số ngày càng tăng và có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước những tác động và ảnh hưởng như đã đề cập ở trên, việc phải chủ động, kịp thời ứng phó trước các tình huống, dự báo tình hình cũng như đổi mới cả về nội dung và phương thức tuyên truyền là cấp thiêt. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần xác định các phương thức tuyên truyền ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ cao trong chuyển tải thông tin tuyên truyền. Các trang điện tử của các cơ quan đơn vị, nhất là báo điện tử cần phải thay đổi hình thức, nội dung, tính cập nhật, đảm bảo định hướng thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác với các nguồn thông tin xấu độc trên môi trường công nghệ số.

Thứ hai, cần nắm bắt xu hướng đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao như giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Triển khai Đề án Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó có các phương pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế để tránh những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thông tin trong tình hình mới.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác tuyên truyền. Chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền về mặt kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực tác chiến, tham mưu công tác tuyên truyền trong tình hình công nghệ số đóng vai trò chủ đạo.

Thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, cần có sự liên kết, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền; cần khai thác triệt để các kênh hợp tác và hội nhập quốc tế để tăng cường công tác phối hợp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của đơn vị, tạo ra tính hiệu quả, chủ động trong công tác tuyên truyền.

                                                                Trương Văn Vũ

Tin bài liên quan