- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
Công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ đổi mới
1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại
Với tầm quan trọng ngày càng cao của thông tin đối ngoại, cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế của Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiều chủ trương, chính sách và quy định về thông tin đối ngoại đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm định hướng cũng như quản lý, nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết tình hình thế giới, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, theo đó, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài”. Để tăng cường công tác thông tin đối ngoại, góp phần phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ngày 19/2/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTGTW về việc hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại, trong đó nhấn mạnh công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thông tin đối ngoại nêu trong Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020"; "Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020" và Nghị định số 72/ NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp từ Trung ương tới địa phương; chú trọng nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Ba là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền; tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài theo phương châm "Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng".
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền ra thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài về đường lối, quan điểm, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước; quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng; lập trường, quan điểm chính nghĩa của Việt Nam về lãnh thổ, bảo vệ độc lập chủ quyền, về vấn đề Biển Đông; nâng cao một bước hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, quảng bá phải góp phần thúc đẩy đầu tư, du lịch và tăng sức lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Năm là, Tăng cường tuyên truyền về hội nhập quốc tế, cung cấp kịp thời thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về thuận lợi và thách thức của việc tham gia Cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sáu là, Tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là trong vấn đề biên giới, biển, đảo, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những vấn đề quan trọng khác.
Bảy là, Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng tài liệu, cung cấp kiến thức về thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách thông tin đối ngoại của các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí... Tập trung vào những vấn đề thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
Tám là, Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Lựa chọn, xác định một số cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực để tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính, con người. Tận dụng tốt các kênh song phương và đa phương để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của đất nước.
Để thể chế hoá các đường lối, chủ trương của Đảng, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Đây chính là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về lĩnh vực thông tin đối ngoại. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; nội dung các hoạt động thông tin đối ngoại; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế này, liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên tịch số 34/2011/TTLT/BTTTT-BNG ngày 24/11/2011 hướng dẫn việc phối hợp thi hành quy chế.
Với sự ra đời của hai văn bản quy phạm pháp luật nói trên, công tác thông tin đối ngoại đã được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ hơn[1]. Tuy nhiên, sau gần 5 năm áp dụng, Quy chế đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cùng với những yêu cầu của tình hình mới, đến ngày 7/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại (Nghị định 72/2015/NĐ-CP) nhằm nâng tầm và hoàn thiện hành lang pháp lý, làm căn cứ để các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện công tác thông tin đối ngoại và quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Nghị định 72/2015/NĐ-CP gồm 4 chương, 26 điều, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại tính đến thời điểm này. So với Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại được ban hành kèm theo Quyết định 79/2010/QĐ-TTg, Nghị định có một số điểm mới như: Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chủ lực triển khai hoạt động thông tin đối ngoại (Chương III); Quy định đầy đủ những nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây (Điều 3); Đảm bảo kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác (Điều 5); Quy định các hoạt động thông tin đối ngoại cơ bản để các bộ, ngành, địa phương; các lực lượng thông tin đối ngoại cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay (Chương II); Tăng cường cung cấp thông tin giải thích, làm rõ (Điều 10). Coi đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Theo quy định của Nghị định này, hoạt động thông tin đối ngoại phải tuân thủ các nguyên tắc sau: (i) tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; (ii) bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, uy tín, hình ảnh, quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Việt Nam; bảo vệ bí mật nhà nước; (iii) không kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; không kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; (iii) bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời theo đúng định hướng thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cũng như các chương trình, kế hoạch thông tin đối ngoại đã được phê duyệt; không đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Nghị định còn quy định cụ thể các hình thức thực hiện thông tin đối ngoại. Theo đó, thông tin đối ngoại có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung thông tin đối ngoại, chẳng hạn như:
Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam được cung cấp qua các hình thức sau đây: xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; sự kiện được tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài; các sản phẩm báo chí của phương tiện thông tin đại chúng; các sự kiện do Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài tổ chức; các sản phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông nước ngoài; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân[2].
Thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam được cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện bằng các hình thức sau đây: qua người phát ngôn; đăng tải qua cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử; tại các cuộc họp báo định kỳ và giao ban báo chí; qua các phương tiện thông tin đại chúng[3].
Trách nhiệm quản lý hoạt động thông tin đối ngoại cũng được quy định khá rõ trong Nghị định 72/2015/NĐ-CP. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước hoạt động thông tin đối ngoại. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh liên quan triển khai hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước hoạt động thông tin đối ngoại ở địa phương. Nghị định cũng đề cập cụ thể đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, cũng như xác định trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong công tác thông tin đối ngoại.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định còn quy định chi tiết một số hoạt động thông tin đối ngoại như xuất bản phẩm thông tin đối ngoại, các sự kiện tổ chức ở nước ngoài, hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên nước ngoài để quảng bá Việt Nam tại nước ngoài; đồng thời xác định trách nhiệm của một số lực lượng thông tin đối ngoại đặc thù như cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thường trú các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan của Chính Phủ đã nỗ lực triển khai thực hiện và nâng cao hiệu qủa thực hiện công tác thông tin đối ngoại. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013 phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 – 2020, Quyết định số 587/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/5/2015 ban hành Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2017. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với nội dung, hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
2. Thực tiễn công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua
2.1. Thành tựu
Xét về hiệu quả thực hiện công tác thông tin đối ngoại, đánh giá một cách tổng thể, có thể nhận thấy rằng trên cơ sở chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công chung của các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước. Thông tin đối ngoại đã cơ bản phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, đang phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch, con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời hết sức phong phú và giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam đã được nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài biết tới thông qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng thông qua công tác thông tin đối ngoại, chúng ta đã đấu tranh chủ động và ngày càng hiệu quả hơn với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ. Chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin chính thống, có định hướng về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Việc Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của nhiều nước về Việt Nam theo hướng khách quan và toàn diện hơn. Việc xuất bản Sách trắng Quốc phòng đã đáp ứng các yêu cầu ở trong nước và quốc tế tìm hiểu về chính sách quốc phòng của ta. Tuyên truyền về kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng với việc ký và đưa vào thực hiện ba văn kiện pháp lý giữa Việt Nam - Trung Quốc, tiến trình phân giới cắm mốc với Lào và Cămpuchia, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được triển khai tích cực với tư liệu phù hợp đến nhiều đối tượng, góp phần tăng thêm nhận thức đúng đắn về chủ quyền biên giới lãnh thổ của đất nước, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và sự tin tưởng của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cơ bản giải tỏa được một số băn khoăn, hoài nghi trong dư luận.
Hình thức tuyên truyền đối ngoại cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Trên địa bàn nước ngoài, bên cạnh các phương thức thông tin truyền thống như họp báo, hội thảo, triển lãm, tham gia liên hoan phim, phát hành tờ rơi..., nhiều hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hình thức phong phú như đặt tượng, biển lưu niệm, đặt tên đường mang tên Bác, xuất bản sách về Hồ Chí Minh, các chương trình quảng bá văn hoá, xúc tiến thương mại - đầu tư như “Gặp gỡ Việt Nam”, Ngày/tuần/ không gian văn hóa Việt Nam đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà chúng ta đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2010, phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục có những bước phát triển mới, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xét về tính chuyên nghiệp trong thực hiện công tác thông tin đối ngoại cũng như mức độ kiện toàn về tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện công tác thông tin đối ngoại, có thể khẳng điịnh từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế 79 quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, công tác này đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào thành tựu thông tin tuyên truyền nói riêng và công cuộc đổi mới của đất nước nói chung. Tổ chức bộ máy hoạt động thông tin đối ngoại bắt đầu được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương được kiện toàn, chỉ đạo, định hướng các hoạt động thông tin đối ngoại trên quy mô toàn quốc. Bộ Thông tin & truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đã thành lập Cục Thông tin đối ngoại, đơn vị thực thi công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Bộ máy thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố từng bước được hình thành và phát triển. Nếu năm 2010 chưa tới 10% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại, thì đến tháng 7/2015 đã có 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại. Các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình hành động về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013–2020; ban hành các văn bản quản lý và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Từ năm 2012 đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm và bố trí kinh phí thực hiện. Hầu hết các bộ, ngành đã tham gia tập huấn, đào tạo kiến thức nghiệp vụ về thông tin đối ngoại; giao đơn vị đầu mối triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại; ban hành Kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm, Kế hoạch thông tin đối ngoại giai đoạn 2015-2017; duy trì và cập nhật cổng/trang thông tin điện tử của các bộ, ngành; biên soạn các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về bộ, ngành, đơn vị và thông qua các đoàn ra – đoàn vào. Các cơ quan báo chí đã có các đơn vị báo đài chủ lực thực hiện công tác thông tin đối ngoại bao gồm: Truyền hình đối ngoại VTV4, VTC10; Hệ phát thanh đối ngoại VOV5; Các báo đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam như Báo Vietnam News, Báo Le Courrier du Vietnam, Báo điện tử Vietnam Plus, Báo Ảnh Việt Nam. Hiện có 52 văn phòng thường trú ở nước ngoài của 4 cơ quan, bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam.
Mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng phát triển mạnh, đã có gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, tại các sự kiện quốc tế và trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
2.2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác thông tin đối ngoại cũng còn một số hạn chế:
- Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thông tin đối ngoại mặc dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp, gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương và lực lượng làm thông tin đối ngoại còn hạn chế, có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh.
- Nhận thức về vị trí, vai trò của thông tin đối ngoại tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến về thông tin đối ngoại còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Nội dung thông tin chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, sức thuyết phục chưa cao. Thông tin về thế giới vào Việt Nam còn thiếu chọn lọc. Thông tin đối nội và đối ngoại chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, có lúc có một số sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Công tác đấu tranh dư luận chưa được tiến hành một cách có hệ thống, lập luận đấu tranh trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, biên giới lãnh thổ chưa chú ý đến những đối tượng ít thông tin, những đối tượng dễ bị lợi dụng, kích động.
- Việc ứng dụng các công nghệ mới vào thông tin đối ngoại còn chậm và chưa tương xứng với mức độ phát triển công nghệ thông tin của đất nước.
- Lực lượng thông tin đối ngoại còn dàn trải, cán bộ còn thiếu và chưa đồng đều về năng lực công tác. Hầu hết cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại ở các Bộ, ngành, địa phương là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản và tập huấn thường xuyên.
- Kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại chưa tương xứng và phân tán.
- Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những biến chuyển nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực đã và đang đặt ra cho công tác thông tin đối ngoại cả thuận lợi và thách thức đan xen. Công tác thông tin đối ngoại đứng trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khó khăn nảy sinh trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, nhiều trào lưu, khuynh hướng tư tưởng, thông tin sai trái dễ xâm nhập vào xã hội ta, tác động tới tư tưởng, tình cảm và lối sống của con người Việt Nam. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục sử dụng những chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ” để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
[1] Tình hình thực tiễn công tác thông tin đối ngoại nói chung đề nghị xem cụ thể tại mục 6, phần I Tham luận này.
[2] Xem Khoản 3, Điều 8, Nghị định 72/2015/NĐ-CP.
[3] Xem Khoản 3, Điều 9, Nghị định 72/2015/NĐ-CP.
Văn vũ - Tổng hợp
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản