Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản

Cập nhật lúc : 07:45 22/06/2021

Báo chí đa phương tiện: Vòng quay không dừng lại

Tập huấn video clip của Hội Nhà báo Việt Nam tại Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Làm longform (câu chuyện dài), truyền hình là xu hướng tất yếu của truyền thông đa phương tiện. Nhưng đó mới chỉ là hai mảng trong vô số hình thức kết hợp công nghệ phục vụ bạn đọc/bạn xem chương trình. “Chân trời mới” phía trước vẫn đang mời gọi những người làm báo chúng tôi.


Nhập cuộc

Báo chí đa phương tiện tạo nên môi trường báo chí sôi động, tác động đến nhiều tòa soạn. Năm 2017, Ban tổ chức Giải Báo chí Quốc gia nhận xét: Xu hướng tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện thể hiện rất rõ trong các tác phẩm báo chí dự thi. Bắt đầu từ thời điểm này, một số tác phẩm báo điện tử dạng longform, megastory được xướng tên trong cơ cấu giải Báo chí Quốc gia.

Năm 2019, Báo Thừa Thiên Huế Online bắt đầu “trình làng” tác phẩm đa phương tiện (longform, emagazine). Từ “20 năm lụt 99: Chuyện cũ không quên, ký ức mãi còn”, “Chủ Nhật xanh: Xanh cả con đường “xanh cả lòng người”, đến nay đã nhiều tác phẩm, trong đó có “Bảo tồn bảo tàng nước lớn nhất Đông Nam Á”, “Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học”… Các tác phẩm này đều đạt giải báo chí cấp bộ, ngành, Giải Báo chí Hải Triều (tỉnh Thừa Thiên Huế) và giải Báo chí Quốc gia. Trong thời buổi cạnh tranh thông tin, trước nhiều lựa chọn thì chính câu chuyện sống động, lôi cuốn ở bài longform, emagazine đã giữ chân người đọc. Bằng chứng là lượt xem ở hệ thống gấp vài lần đến vài chục lần báo in.

Tiếp đó, giữa tháng 3 năm 2020, trên kênh HueTV của báo điện tử ra mắt bản tin “Cập nhật COVID-19” mỗi buổi sáng. Huy động tổng lực, bản tin phát gần 40 số, kết nối được 20 quốc gia và 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là cuộc thử sức khá thú vị, chúng tôi được trải nghiệm cách thức tác nghiệp mới mẻ và khám phá năng lực bản thân. Giữa năm 2020, mảng truyền hình trên kênh HueTV đều đặn sản xuất 2 bản tin “Văn hóa - Du lịch” (bản tiếng Việt, tiếng Anh); “Kinh tế thị trường” hàng tuần. Đến nay, chuyên mục Video đã phủ sóng đều đặn trên các lĩnh vực và luôn được “làm mới” với các clip mỗi ngày.

Bạn đọc, bạn xem chương trình có thể nhận thấy sự đổi thay về hình thức, nội dung trình bày tác phẩm (nỗ lực từ ban biên tập và tòa soạn). Nhưng đó chỉ là bề nổi; bên trong đó là hàng loạt cuộc giao ban, hội ý nhóm, sinh hoạt nghiệp vụ… Đằng sau sự đón nhận của độc giả, giải thưởng các bộ, ngành là mồ hôi, trí tuệ, hiểm nguy tác nghiệp và cả sự giúp đỡ tận tình từ đồng nghiệp, cơ sở. Những tác phẩm đa phương tiện ấy tựa như món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo mà đội ngũ những người thực hiện chăm chút từ thiết kế “khung sườn”, đến gia công từng lớp, rồi qua cả “KCS” kỹ càng trước khi đến với công chúng. Áp lực thời gian, chất lượng, tiến độ… đến nỗi những người làm bao giờ cũng “ám ảnh” chuyện “hạ loại thi đua” vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một biên tập viên kỳ cựu cũng có lúc thốt lên rằng: “Làm thể loại ni… đau tim quá”!

Đường dài phía trước

Trong nỗ lực kết nối và đầu tư chiều sâu, Ban Biên tập Báo Thừa Thiên Huế đã mời những người giỏi chuyên môn về tư vấn, truyền thụ kỹ năng để chúng tôi có thể học hỏi. Mới đây nhất, anh Hồ Hoàng Thái, Trưởng phòng Thời sự VTV8 tại Đà Nẵng chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm truyền hình quý báu, giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên định hình nội dung, định lượng thời gian hợp lý cho các sản phẩm truyền hình. Và câu nói động viên chúng tôi nhất chính là: “Một số sản phẩm trên Thừa Thiên Huế Online nếu gửi cộng tác cho các bản tin của VTV, chúng tôi sử dụng được”!

Không chỉ học từ những người giỏi nghề, các kênh tiếp nhận thông tin từ đồng nghiệp, bạn đọc về sản phẩm báo chí mới luôn được đội ngũ những người làm báo trân trọng lắng nghe nhằm có sự điều chỉnh hợp lý. Được tạo điều kiện tối đa từ ban biên tập, hàng năm, chi hội nhà báo lên kế hoạch cho các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn hướng đến các loại hình mới trên báo điện tử. Nhờ vậy, những sản phẩm truyền thông đa phương tiện ra đời bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí.

Hai năm thực hiện hai loại hình hấp dẫn nhất của báo điện tử song song với các loại hình khác. Tuy nhiên, so với vô số các thể loại báo chí sáng tạo kết hợp công nghệ phục vụ bạn đọc/bạn xem chương trình, tất cả những gì chúng tôi đã, đang làm chỉ là một bước tiến nhỏ. Nhìn ra Tuổi trẻ, Zing, VnExpress, Vietnamplus… ở đó có nhiều loại hình báo chí mới mẻ để học hỏi. Còn đó các chương trình trực tiếp, tương tác sự kiện hay các thể nghiệm mới về sản phẩm tận dụng thế mạnh âm thanh (audio) đang là “chân trời mới” mời gọi chúng tôi.

Khi chuyển đổi số là xu thế tất yếu thì báo chí cũng không ngoại lệ. Xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ, nền tảng phân tích thông tin dư luận mạng xã hội, nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp tựa như “bệ đỡ” chắc chắn để phát triển đa dạng sản phẩm đa phương tiện. Trong vô vàn yếu tố, điều quan trọng không kém ấy là đổi mới tư duy tác nghiệp và phương thức tác nghiệp chính từ các phóng viên – người đưa thông tin. Báo cáo xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2021 của tác giả Nic Newman, cộng tác viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters cho rằng: “Các nhà báo sẽ ra khỏi văn phòng nhiều hơn, được giải phóng bởi công nghệ để đưa tin trực tiếp hơn, trở nên gắn bó hơn với cộng đồng”. Điều này không còn là dự báo mà đang hiển hiện nếu bản thân người làm báo không muốn bị lỗi thời, tụt hậu khi họ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đầu vào thông tin.

ThS. Vũ Thế Cường, giảng viên chuyên ngành báo mạng điện tử, báo chí đa phương tiện truyền thông của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam trong tập huấn nghiệp vụ từng nhấn mạnh việc phát triển truyền thông đa phương tiện làm sao để tạo nên đặc thù dựa trên những lợi thế sẵn có của tờ báo. Điều này khiến đội ngũ làm Báo Thừa Thiên Huế suy nghĩ, trăn trở để biến lời khuyên đó thành hiện thực.

Dẫu là hành trình dài nhưng đó là mục tiêu để phấn đấu!

Tin bài liên quan