Tin hoạt động cơ sở

Cập nhật lúc : 10:34 22/01/2016

Quảng Điền cần hỗ trợ nông nghiệp từ đại trà sang tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc với huyện Quảng Điền và các sở, ngành liên quan về tình hình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ gắn với tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện vào sáng ngày 19/11.


Những năm qua, thông qua các chính sách đầu tư và hỗ trợ của nhà nước cũng như sự huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, hộ gia đình, ngành nông nghiệp huyện Quảng điền đã có nhiều chuyển biến về phương thức tổ chức sản xuất. Người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha trồng trọt canh tác đã tăng từ 52,2 triệu đồng năm 2010 lên 69,9 triệu đồng năm 2015.

Đặc biệt, Quảng Điền đã hình thành một số vùng sản xuất rau, màu tập trung có quy mô và hiệu quả khá cao với giá trị sản xuất đạt hơn 400 triệu đồng/ha (thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha/năm) tại các xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Phú và thị trấn Sịa. Hiện tại, gần 60 ha vùng sản xuất rau sạch ở hai xã Quảng Thọ và Quảng Thành đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tạo được thương hiệu trên thị trường.

Riêng vùng trồng rau má (hơn 50ha) ở xã Quảng Thọ, ngoài việc bán quanh năm sản phẩm rau má tươi, HTX nông nghiệp Quảng Thọ đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến trà rau má túi lọc và trà rau má sấy khô, góp phần đa dạng sản phẩm nông sản, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.

Quảng Điền có 11 xã thì hầu hết các xã đều có vùng cát trắng nội đồng hoang hóa. Tận dùng nguồn đất đai này, nhiều mô hình gia trại và trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô đã phát triển. Hiện toàn huyện có 45 trang trại và hơn 400 gia trại chăn nuôi, trong đó có 3 trang trại liên kết nuôi gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam với quy mô từ 1000 đến 4000 lợn thịt siêu nạc. Trứng gà của một số trang trại đã được đưa vào siêu thị Coopmart.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đăng Khoa cho biết, các mô hình sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả, song sản xuất nông nghiệp của Quảng Điền chưa thật sự bền vững; quy mô trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa chưa tập trung nhiều, còn manh mún; đặc biệt đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Để có quy mô sản xuất lớn, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị đòi hỏi phải có nguồn đầu tư lớn, kỹ thuật cao, không phải Hộ nông dân nào cũng có khả năng thực hiện và mạnh dạn đầu tư. Đây những khó khăn của huyện Quảng Điền trong việc thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang cho biết, với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và qua thực tế triển khai các mô hình sản xuất thì ngoài chuyên canh vùng trồng lúa, Quảng Điền cần phát triến phát chăn nuôi lợn, gia cầm trên vùng cát nội đồng và trồng màu tập trung để xây dựng một số thương hiệu sản phẩm nông sản như vùng trồng rau sạch, rau má, ném. Để làm được, cần phải tạo thành vùng tập trung tối thiểu 2ha trở lên, có như vậy mới kêu gọi được doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ sản phẩm, ngoài ra mới giải quyết được vấn đề môi trường trong chăn nuôi.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: thế mạnh và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Điền là thâm canh lúa, trồng màu và phát triển chăn nuôi. Song để phát triển bền vững, có quy mô và thị trường tiêu thụ, không bùng phát nhất thời, làm giảm hiệu quả trong sản xuất, Quảng Điền phải xác định cụ thể thế mạnh đặc thù của địa phương và những lĩnh vực nào cần phải ưu tiên hỗ trợ phát triển. Muốn vậy, huyện cần phải rà soát quy hoạch sử dụng đất và các mô hình đã thực hiện để có đánh giá cụ thể hiệu quả, qua đó mới định hướng phát triển bền vững và khơi dậy được tiềm năng; đồng thời có những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất đại trà sang tập trung, nghiên cứu xây dựng các HTX kiểu mới có nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để tỉnh có hướng hỗ trợ phù hợp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, trước mắt, huyện Quảng Điền cần nghiên cứu xây dựng 02 đề án gồm mô hình kinh tế trang trại với quy mô khoảng 3ha và vùng rau sạch. Trong đó, cần chỉ rõ việc hình thành chuỗi sản xuất rau sạch, sản hẩm rau má, chăn nuôi gia cầm và lợn để thực hiện hỗ trợ trong quy trình sản xuất và hỗ trợ thị trường tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mẫu mã hàng hóa.

www.thuathienhue.gov.vn

Tin bài liên quan