Tin hoạt động cơ sở

Cập nhật lúc : 10:14 19/09/2018

Mô hình trồng hoa: Mở ra hướng phát triển kinh tế mới của Hội Phụ nữ thị trấn A Lưới

Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, những năm trở lại đây, Hội LHPN thị trấn A Lưới luôn tích vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể, qua đó đã giúp cho hội viên vươn lên trong cuộc sống, đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.


Hội LHPN thị trấn A Lưới  hiện có 404 hội viên tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội. Nằm ở trung tâm kinh tế chính trị của huyện, thị trấn là nơi tập trung nhiều thành phần kinh tế với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tuy nhiên, ở thị trấn đời sống của chị em vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp chiếm trên 50 %, đã số chị em sống chủ yếu dựa vào kinh doanh, buôn bán và trồng trọt, trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa cao. Xuất phát từ những khó khăn và những lợi thế về tự nhiên - xã hội của vùng, được sự hỗ trợ của cấp trên trong những năm qua nhiều chị em hội viên đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc, hoa Ly, hoa Tuy líp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để hoạt động hội thu hút được chị em tham gia, Hội LHPN thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, trong đó đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện trên 18 tỷ đồng cho 556 hội viên vay, cùng với đó Hội còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, từ đó nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức để đầu tư vào sản suất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chị Nguyễn Thị Tùng, Nguyễn Thị Y, Nguyễn Thị Liên là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của thị trấn đi đầu với mô hình trồng hoa cúc, hoa Ly. Trước đây, gia đình các chị cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều song do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn, từ khi tham gia sinh hoạt hội được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Năm 2016 tự nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện các chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng hoa. Hiện nay thu nhập bình quân của các chị là từ 60 đến 70 triệu đồng /năm, với diện tích hơn 3.000m/50 nghìn cây/5 hộ, nhiều hộ trồng với diện tích lớn như mô hình của chị Nguyễn Thị Thanh Nga HV chi hội 2, mô hình của chị Nguyễn Thị Liên, chị Nguyễn Thị Tùng, chị Nguyễn Thị Y hội viên chi hội 2,... đã thật sự mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Các chị cho biết  từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 2,5 đến 3 tháng trung bình ngày tết bán một cây là từ 3 -4 ngàn đồng/cây. Lãi thu được trừ chi phí là 1,5 đến 2 ngàn đồng /cây. Mọi quy trình từ khâu làm đất, trồng cây giống và chăm sóc đều thực hiện nghiêm ngặt, đúng thời gian. Giống hoa cúc được chọn trồng ở đây là giống cúc đại đóa và cúc pha lê. Giống hoa Ly được trạm khuyến nông đưa về. Đây đều là những giống cho năng suất và chất lượng hoa tốt và nhất là thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Đặc biệt trong dịp tết nguyên đán vừa qua việc thu hoạch hoa cơ bản đã thành công.

Dự kiến mô hình sẽ được nhân rộng diện tích trồng ở thị trấn để nhiều chị em có thể tham gia mô hình tăng nguồn thu từ cây hoa.

Có thể nói, mô hình trồng hoa ở thị trấn bước đầu trồng thử nghiệm đã cho thấy khả năng thích nghi của những giống hoa này với điều kiện thời tiết của địa phương. Đây có thể là một trong những hướng phát triển kinh tế của nhiều hội viên phụ nữ của địa phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả thì việc nghiên cứu và đề xuất những quy trình kỹ thuật trồng hoa không chỉ sản xuất ở vụ đông-xuân mà còn có thể sản xuất ở các vụ khác trong năm. Như vậy mới tạo được thị trường cung ứng hoa tươi liên tục tại chỗ cho các du khách mỗi khi đến địa phương.

Có thể khẳng định, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn trong phong trào phát triển kinh tế, đã không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu nâng cao thu nhập, đồng thời tạo thị trường cung ứng hoa tươi tại chỗ vào các dịp lễ tết.

 


Hội LHPN tỉnh

Tin bài liên quan