- Bảo vệ nền tảng tư tưởng
- Tin tức - Sự kiện
- Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản
- Giáo dục lý luận chính trị
- Lịch sử Đảng
- Văn hóa - Văn nghệ
- Công tác Khoa giáo
- Tin hoạt động cơ sở
- Chuyên đề
- Văn bản phát hành của ban
- Các sự kiện chính trị quan trọng và Kỷ niệm các ngày lễ
- Xây dựng Đảng
Tin tức - Sự kiện
Toàn văn bài phát biểu của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, năm 2024

Trong hai ngày 27 và 28/8, tại Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, năm 2024. Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại Đại hội.
Kính thưa đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc!
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội!
Về dự Đại hội hôm nay, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng 225 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho gần 57 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh về dự Đại hội. Qua Đại hội, xin gửi đến đại gia đình các dân tộc trong tỉnh lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào trân trọng nhất. Chúc các đại biểu mạnh khoẻ, đoàn kết và thắng lợi. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Kính thưa các đồng chí!
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 4 là sự kiện chính trị quan trọng, tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là dịp để tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ 3, đồng thời đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2024 - 2029.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên; các vấn đề bức thiết được giải quyết cơ bản như xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất; những giá trị truyền thống, nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới, ngày càng xanh - sạch - sáng, văn minh; góp phần để huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ hơn 38% năm 2021 xuống còn 19,36% năm 2023. Công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.
Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo", “Ngày Chủ nhật xanh”… Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào trở thành tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên quê hương Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian vừa qua. Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế, cho phép tôi trân trọng cảm ơn Ủy ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Thưa Đại hội!
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế mà Báo cáo trình Đại hội đã thẳng thắn đánh giá, đó là: Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc có nơi chưa tốt. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp; chất lượng giáo dục các cấp chưa cao, tỳ lệ học sinh vào trường đào tạo nghề, đại học còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhưng chưa thực sự bền vững; kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất còn hạn chế; cơ sở hạ tầng một số thôn, bản chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; một bộ phận nhỏ bà con vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, thiếu quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Vấn đề giải quyết việc làm còn khó khăn.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra, Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và đồng bào các dân tộc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, nội dung trọng tâm của Nghị quyết 43 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, Kết luận 65 của Bộ Chính trị khóa 12, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 và định hướng chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc để cụ thể hóa, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Thứ hai, tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục lồng ghép và triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các đề án, dự án cụ thể gắn với huy động nguồn lực để thực hiện. Trọng tâm là: tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí ổn định dân cư; nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện môi trường gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thứ ba, quan tâm huy động nguồn lực thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. Chú trọng hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho những hộ nghèo có khả năng lao động; phân công cụ thể các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động. Kiên quyết không để phát sinh thêm hộ nghèo, hộ có nhà tạm. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; tích cực tham gia, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc nâng cao nhận thức thoát nghèo, ý thức lao động vươn lên của đồng bào.
Thứ tư, tăng cường xã hội hóa để huy động các nguồn lực nhằm phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tỷ lệ tốt nghiệp; tỷ lệ vào trường đào tạo nghề, đại học của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm phát triển kỷ năng nghề nghiệp, tạo việc làm. Chăm lo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện việc sưu tầm, biên soạn, ghi âm, ghi hình, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.
Thứ năm, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… của các thế lực phản động để lôi kéo, kích động đồng bào, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thưa các đồng chí và các Đại biểu tham dự Đại hội!
Thừa Thiên Huế đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ 4 đề ra, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn.
Tinhuytthue.vn
Tiêu điểm
-
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc ...
-
Khoảnh khắc đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! ...
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng ...
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đọc, xem nhiều nhất
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận
Phòng Tuyên truyền-Báo chí-Xuất bản