Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 08:31 07/11/2017

Tình hình mưa, lũ và thiệt hại bước đầu (cập nhật lúc 07 giờ 00 ngày 06/11/2017)

Mưa lớn gây ngập sâu tại khu vực đường Lê Viết Lượng - phường Xuân Phú - Tp Huế (ngày 5/11/2017)

Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12 và nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh nên từ 19 giờ 03/11 đến 07 giờ ngày 06/11 tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 350 - 1000mm, xuất hiện một đợt lũ lớn trên báo động III trên sông Hương và sông Bồ. Trên đất liền có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7.


Lúc 07 giờ ngày 06/11, mực nước trên sông Hương, tại Kim Long: + 3,29 m, dưới báo động III là 0,21m; Trên sông Bồ, tại Phú Ốc: +4,13 m, dưới báo động III là 0,37m.

Tình hình thiệt hại bước đầu:

- Về người: 04 người chết, 04 người mất tích, 01 người  bị thương.

- Số hộ bị ngập: Toàn tỉnh có khoảng 17.588 hộ bị ngập lụt từ 0,2-0,8m, trong đó: thị xã Hương Trà có khoảng 2900 nhà bị ngập nước từ 0,2-0,8m; huyện Quảng Điền có khoảng 2.320 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m; thị xã Hương Thủy có khoảng 343 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m; huyện Phú Lộc có 6.747 nhà bị ngập nước sâu từ 0,6-0,8m; huyện Phú Vang: có 3.124 nhà bị ngập sâu từ 0,1-0,4m; huyện A Lưới: 218 nhà bị ngập từ 0,2-0,5m; huyện Phong Điền: có khoảng 1936 nhà bị ngập sâu từ 0,3- 0,8m, nhà ngập sâu nhất là 2,5m.

- Tình hình ngập lụt:

+ Tại thành phố Huế, hơn 80% tuyến đường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương: đường Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ... ngập bình quân 0,5-1,3m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như đường Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa... ngập bình quân 0,6-1,2m.

+ Tại huyện Phong Điền: tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8 – 1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phong Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m.

+ Tại thị xã Hương Thủy: ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4 – 0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8 – 1,2m.

+ Tại huyện Phú Vang: nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập với độ sâu ngập trung bình thừ 0,5 – 0,8m gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A , tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 – 0,7m với tổng chiều dài hơn 10km.

+ Tại huyện Phú Lộc: từ 1 giờ đến 2 giờ sáng ngày 05/11, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7m, kéo dài từ Cầu Hai đến trước mặt UBND xã Lộc Trì gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. UBND huyện Phú Lộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan cấm tất cả phương tiện lưu thông. Đến  5 giờ 30 ngày 05/11, tuyến đường này còn ngập sâu 0,3m, kéo dài 300m, các đơn vi đã phân luồn, cho xe lưu thông qua đoạn đường này.

+ Tại huyện A Lưới: 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy bị ngập úng do mưa lớn, nước tràn vào nhà. UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng di dời 20 hộ dân bị ngập đến nơi an toàn.  Đường Hồ Chí Minh bị ngập 02 đoạn tại xã A Ngo, trên đèo Fe Ke bị sạt 02 chổ bị tắc đường xe tải không đi được; đường liên thôn Cha Đu – Thôn Nghĩa bị ngập 02điểm.

+ Tại thị xã Hương Thủy: hơn 30km đường giao thông bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,7m , đặc biệt có nơi trên 1,5m.

+ Tại huyện Quảng Điền: các tuyến đường chính bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,0 - 1,2 m. Các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông đã bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh.

+ Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập sâu: TL4 đoạn qua tràn thủ lễ ngập sâu 0,6m, TL10C ngập từ Km0+500 - Km3 ngập sâu 0,6-0,7m, TL21 từ Km 6 – Km 11 ngập sâu 0,5m, TL19 từ Km10 – Km13 ngập sâu 0,3m, Tl 4 từ Km6 – Km7 và từ Km9 – Km10 ngập trung bình 0,25m, TL11A từ Km0+500 ngập sâu 0,25m, các tuyến đường bị ngập sâu đã bố trí rào chắn và đảm bảo giao thông.

- Sạt lở đất:

+ Tại huyện Nam Đông, do mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn. Hiện nay UBND huyện đang tiếp tục nắm tình hình để tổng hợp báo cáo.

+ Tại huyện A lưới 06 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu. Sạt lở đất đã cô lập 20 người trên đèo Tà Lương từ 15 giờ 30 ngày 06/11, UBND huyện đã huy động các lực lượng địa phương ứng cứu, đến 22 giờ 00 cùng ngày, số người gặp nạn đã được giải cứu.

- Thiệt hại về lâm nghiệp, thủy sản:

+ Tại thị xã Hương Trà: hơn 20ha rừng và hàng trăm cây cao su  bị đổ; 12 hồ cá của người dân tại xã Hồng Tiến, Hương Bình bị nước lớn đổ về làm vỡ hồ; 12 lồng cá bị trôi do đứt dây neo; 120ha rau màu các loại bị ngập úng.

+ Tại huyện Phong Điền: Diện tích rau màu các loại bị ngập trên 300 ha, 10 lồng cá bị trôi ở xã Phong Sơn, nhiều tấn lúa và lạc bị ướt chưa thống kê được.

+ Tại huyện Quảng Điền: Mưa lũ gây ngập úng 100 ha hoa màu vụ Đông, 13 lồng nuôi cá trên sông Bồ bị nước lũ cuốn trôi.

+ Tại huyện Phú Vang bị trôi 16 lồng cá ở thôn Kênh Tắc xã Vinh Thái. Diện tích hạ triều ở các xã đã bị ngập 786 ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng 42 ha. 125 cây xanh bị gãy đổ.

+ Tại thị xã Hương Thủy: 12 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

+ Tại huyện A Lưới 86 hồ cá bị nước tràn hồ.

- Tình hình sạt lở bờ biển: Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa đặc biệt lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km gồm các đoạn bờ biển qua xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh, huyện Phú Vang và xã Vinh Hải, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Trong đó tập trung nặng đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với chiều dài hơn 2km; đoạn qua xã Vinh Hải dài hơn 2,5km. Bờ biển đoạn qua thôn 4, xã Vinh Hải sóng đã đánh trôi một phần khối lượng xử lý khẩn cấp của các năm 2014, 2016 với chiều dài khoảng 200m; có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018, ảnh hưởng đến tuyến đường Tỉnh lộ 21 và các công trình hạ tầng kỹ thuật.

 
 
 www.thuathienhue.gov.vn 
Tin bài liên quan