Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 10:14 20/01/2021

Thừa Thiên Huế sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Là một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Thừa Thiên Huế có 15.820 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (ảnh hưởng trực tiếp là 7.768 người, gián tiếp là 8.052 người), trong đó vùng bị nặng nhất là huyện A Lưới với số người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin chiếm gần 10% dân số của huyện; khu vực sân bay A So là nơi có nồng độ dioxin cao nhất.


Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đến nay, công tác giải quyết hậu quả chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng đạt được nhiều kết quả. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 17/7/2005 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 43; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 16/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học đến 2015 và định hướng đến năm 2020… Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan liên quan đã phối hợp triển khai có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW nhằm tuyên truyền, vận động giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh, đưa tổng số người đang hưởng trợ cấp chính sách lên 3.999 người, hiện nay số người còn sống đang hưởng trợ cấp là 2.351 người; giải quyết chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên cho con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm đang theo học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin  các cấp đã vận động được 5.434 triệu đồng hỗ trợ cho 16.316 lượt nạn nhân chất độc hóa học; làm mới 15 ngôi nhà cho nạn nhân với số tiền trên 1 tỷ đồng, sửa chữa 5 ngôi nhà tình nghĩa với số tiền gần 70 triệu đồng…

Trên địa bàn của tỉnh và thành phố Huế hiện có 10 trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trẻ khuyết tật nói chung, trong đó có đối tượng là nạn nhân chất độc da cam... Công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được quan tâm kịp thời với nhiều hình thức thích hợp, như: triển khai các dự án chăn nuôi, vay vốn sản xuất, phục hồi chức năng người khuyết tật, hỗ trợ gạo, cấp phát thuốc miễn phí, trao tặng, sửa chữa nhà, tặng xe lăn, xe lắc…

Tại huyện A Lưới, đã thực hiện việc trồng cây quanh khu vực sân bay A So, tẩy độc dioxin trong đất tại sân bay bằng phương pháp sinh học. 3 xã quanh khu vực sân bay là Hương Lâm, Đông Sơn và A Đớt đã được tổ chức tái định cư, có hệ thống nước sạch từ dự án tài trợ qua kênh đối thoại Việt Mỹ với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hoạt động đối ngoại và tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” nhân ngày 10/8 hàng năm tiếp tục được thực hiện, với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa. Việc thực hiện các chính sách và chăm lo đời sống vật chất cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học luôn được quan tâm, đúng quy định, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyêt hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng tại Việt Nam; thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chât độc da cam; đẩy mạnh thực hiện việc xã hội hóa để có nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tiếp tục việc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam theo chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Thu Hà

 

Tin bài liên quan