Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 16:54 01/12/2023

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu mỗi làng sẽ có một địa chí

Thực hiện Kế hoạch 146-KH/TU, ngày 02/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI), chiều 30/11, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.


Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và thể thao và các đơn vị, cá nhân liên quan.

Văn hóa làng là “cái lõi” căn bản của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thực tế triển khai thì không phải ở đâu và lúc nào, cái phần hồn cốt của văn hóa truyền thống cũng được chú trọng gìn giữ và phát huy cho tương xứng.

Mỗi làng có cuộc sống riêng, có tâm lý riêng, không có làng nào giống làng nào. Nhờ đó mà tạo cho bộ mặt văn hóa cũng như các mặt sinh hoạt khác của các làng trên địa bàn tỉnh càng đa dạng, sinh động và hấp dẫn. Biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại là một tất yếu, song, biến đổi không phải là biến mất. Bởi, mọi di sản cha ông để lại đã trở thành phần tài sản quý giá dành cho các thế hệ con cháu, càng để lâu nếu không được bảo tồn, gìn giữ thì nhiều giá trị văn hóa độc đáo của làng sẽ bị mai một và rất khó phục dựng lại. Thế nên, việc tiến hành biên soạn các dư địa chí trên địa bàn tỉnh là cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 35 làng đã có Dư địa chí.

Làm thế nào để có tiến trình xây dựng dư địa chí các làng bài bản, có giải pháp phù hợp đó là vấn đề Phó Bí thư Thường trực đặt ra trong buổi làm việc.

Tham gia ý kiến, các đại biểu dự họp cho rằng thực tiễn hầu hết các làng đều mong muốn có dư địa chí của làng để bảo tồn, lưu giữ văn hóa và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhưng hầu hết các làng nếu triển khai đồng loạt với thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính. Nên cần có kế hoạch, lộ trình triển khai phù hợp trên khung nội dung biên soạn chung thống nhất; phải có ban chỉ đạo để rà soát các vướng mắc hạn chế; đối với các địa phương có mô hình chỉ đạo, thúc đẩy từng làng; cần thiết ban hành chỉ thị chung để sâu sát thường xuyên.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Phan Ngọc Thọ khẳng định việc xây dựng hướng dẫn chung biên soạn dư địa chí là vô cùng quan trọng; đây là chủ trương lớn của tỉnh, với 35 làng có địa chí là kinh nghiệm quý để các nhà nghiên xây dựng dư địa chí.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Hội khoa học lịch sử chủ trì hoàn thành đề cương cơ bản chung; Viện nghiên cứu tiếp cận các tài liệu dư địa chí và số hóa các tài liệu tiến tới hình thành bảo tàng số cho các tài liệu này.

Các địa phương rà soát lại danh mục các làng, trưởng làng đang đương nhiệm; tiến hành cuộc vận động các trưởng làng để biên soạn dư địa chí; hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, biên soạn sưu tầm các tư liệu, hiện vật chuẩn bị; liên hệ các hội đồng hương để huy động nguồn lực tài chính; lập danh mục các làng có đủ điều kiện để xây dựng dư địa chí; việc huy động nguồn lực xã hội phải có phương thức phù hợp kêu gọi vận động là chính…

Theo Tinhuytthue.vn

Tin bài liên quan